pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tây Ninh: Phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thiếu nữ Thái ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Phan Dương
Tây Ninh là tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay, có 21 dân tộc thiểu số với khoảng với 5.127 hộ/hơn 19.400 nhân khẩu; chiếm khoảng 1,6% dân số toàn tỉnh. Đại đa số đồng bào sống tập trung tại các khu vực vùng biên giới.
Trong cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số thì các vị già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo có vai trò rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào. Đây là những người giữ vai trò dẫn dắt cộng đồng trên cơ sở sự tín nhiệm, tin tưởng và tôn vinh của cộng đồng.
Người có uy tín cũng là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và tinh thần của các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đến với đồng bào dân tộc thiểu số để chính sách dân tộc được thực hiện đúng đắn, hiệu quả.
Đồng thời, với sự gần gũi, gắn bó thường xuyên trong đời sống thường nhật của cộng đồng, già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo đã góp phần quan trọng giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, để có những giải pháp kịp thời đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Tỉnh Tây Ninh có 3 dân tộc thiểu số có số lượng đông là: Dân tộc Khmer (2.079 hộ với 8.056 nhân khẩu, chiếm 0,7% dân số), dân tộc Hoa (1.046 hộ với 3.922 nhân khẩu, chiếm 0,36% dân số), dân tộc Chăm (838 hộ với 3.824 nhân khẩu, chiếm 0,35% dân số).
Các dân tộc khác là: Mường, Ê-đê, Thái, Tày, Nùng, Ba Na, Dao, Chơ Ro, X'Tiêng...
Nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn được Đảng bộ, chính quyền cũng như cả hệ thống chính trị tỉnh Tây Ninh quan tâm đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc của tỉnh Tây Ninh với vai trò và chức năng của mình đã làm tốt công tác chăm lo, vận động, đoàn kết trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc đã chú trọng phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đã công nhận 36 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 6 người là nữ, chiếm 21,6%. Về cơ bản, những người có uy tín nói chung và người có uy tín là nữ giới ở Tây Ninh được công nhận đều có vị trí, vai trò quan trọng đối với gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư.
Theo Hội LHPN tỉnh Tây Ninh, người có uy tín đã rất tích cực học tập và tuyên truyền về thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng của mình. Người có uy tín phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong việc tổ chức các hình thức tuyên truyền đa dạng và vận động đồng bào hưởng ứng tham gia. Cụ thể như vận động đồng bào tham gia buổi nói chuyện chuyên đề "Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em", Hội nghị phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, hôn nhân cận huyết cho nhóm phụ nữ đặc thù của các xã biên giới, Hội thi "Sáng tác sản phẩm truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em" và nhiều hoạt động tuyên truyền khác đều có đồng bào dân tộc thiểu số tham dự.
Vể triển khai thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", giai đoạn 1 từ 2021-2025, Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cho biết, Hội đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tổ chức các buổi truyền thông trên địa bàn với số đông phụ nữ dân tộc Chăm, Thái và Tà Mun tại các xã, phường có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả đã giúp mọi người hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống và hệ lụy của hai tình trạng trên, từ đó chấp hành quy định của pháp luật, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và bà con trong đồng bào dân tộc cùng thực hiện, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống.
Bên cạnh đó, một số mô hình được xây dựng như: "Tổ phụ nữ dân tộc Chăm với pháp luật", "Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm", "Câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số"..., góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật giúp hội viên, phụ nữ dân tộc nắm và chấp hành tốt về pháp luật cũng như để bảo vệ mình và người thân. Ngoài ra, các cấp Hội cũng phối hợp phát tờ rơi tài liệu song ngữ Việt - Khmer có nội dung tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mua bán người, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Quan tâm, động viên kịp thời người có uy tín
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, thông qua các cuộc khảo sát, giám sát trong những năm gần đây cho thấy trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở trên địa bàn có nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ mù chữ và bỏ học của trẻ em gái tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã giảm. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng được chính quyền cơ sở quan tâm.
Việc bạo hành phụ nữ trong gia đình đồng bào dân tộc ngày càng giảm; phụ nữ được thụ hưởng các dịch vụ xã hội nhiều hơn và đặc biệt là trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đóng vai trò làm chủ kinh tế. Trong cộng đồng xã hội, phụ nữ ngày càng có uy tín, vị thế người phụ nữ ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở các địa phương, chủ yếu là liên quan đến lao động sản xuất và chính sách hỗ trợ vốn.
Hội LHPN tỉnh Tây Ninh cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò già làng, người có uy tín thì cần quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và công tác vận động của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về thực hiện bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho già làng, người có uy tín trong cộng đồng, từ đó nhận thức về bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc được thay đổi.
Ngoài ra, cần thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín. Tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín và ưu tiên giải quyết những vấn đề mà già làng, người có uy tín cũng như đồng bào dân tộc kiến nghị đề xuất.