pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thiếu vắng phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo chính quyền ở cấp cơ sở
Ngày 28/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố trực tuyến Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019. Bà Cailtin Wiesen - Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, báo cáo PAPI 2019 nêu bật giá trị trong việc đánh giá các cải cách về quản trị và hành chính công của một thập kỷ và so sánh hiệu quả quản trị đối với các mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững trong đó ghi nhận cải thiện ở hầu hết các lĩnh vực quản trị.
Báo cáo PAPI năm nay dành một chương để phân tích về vấn đề giới và lãnh đạo. Bình đẳng giới trong chính trị là một phần quan trọng trong đảm bảo công lý. Có đại diện dân cử là nữ có nghĩa là có một hệ thống chính trị chính danh và là dẫn cứ quan trọng để đảm bảo sự ủng hộ của toàn dân đối với các quyết sách của Nhà nước.
Bên cạnh yếu tố công bằng, khi phụ nữ làm lãnh đạo, các quyết sách đó dễ đi vào thực hiện hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới. Hơn nữa, lãnh đạo nữ có ảnh hưởng quan trọng tới sức huy động phụ nữ tham gia, tạo cơ hội tham gia các hoạt động chính trị và kinh tế cho phụ nữ.
Năm 2021, Việt Nam sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Công tác chuẩn bị bầu cử đang được thực hiện ở các cấp với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhằm tăng số đại biểu dân cử là nữ giới, hướng tới mục tiêu đạt 35% ứng cử viên là nữ để bầu chọn 30% vào các vị trí đại biểu dân cử theo Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2016.
Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2021 sẽ mang đến cơ hội cho nhiều phụ nữ được bầu vào các vị trí lãnh đạo cơ quan dân cử và lãnh đạo điều hành. Nâng cao bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trọng tâm của chính phủ Úc tại Việt Nam
Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie.
Theo nghiên cứu của Báo cáo PAPI 2019, định kiến giới của cử tri dẫn tới có ít lãnh đạo nữ được bầu chọn, kết quả bầu cử Quốc hội năm 2016 cho thấy tỷ lệ này mới đạt 27%. Một vấn đề nổi cộm khác liên quan đến các vị trí lãnh đạo chính trị ở Việt Nam đó là số đại biểu Quốc hội là nữ lớn hơn số phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chính quyền ở các cấp. Ở cấp Trung ương, phụ nữ chiếm 15,7% số vị trí trong Bộ Chính trị và 9,4% trong số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Việc thiếu vắng phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo chính quyền ở cấp tỉnh, đặc biệt vai trò Bí thư Tỉnh ủy là vấn đề đáng quan tâm bởi lãnh đạo cấp ủy Đảng cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc quy hoạch ứng cử viên cho vị trí Đại biểu Quốc hội. Việc thiếu vắng phụ nữ giữ trọng trách cấp địa phương là nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn trong việc quy hoạch ứng cử viên tiềm năng cho các vị trí đại biểu Quốc hội.
Mặt khác, ở cấp cơ sở ít có đại diện lãnh đạo chính quyền là phụ nữ, đặc biệt là đại diện chính quyền ở thôn/tổ dân phố. Theo nghiên cứu, nguyên nhân là do cử tri có định kiến mạnh mẽ đối với phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, đặc biệt ở cấp thôn/tổ dân phố, nơi được coi là một trong những cấp thẩm quyền có tác động quan trọng nhất đến đời sống của người dân. Định kiến giới đối với phụ nữ cho vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố cao hơn gấp 3 lần so với vị trí đại biểu Quốc hội.
Để giảm thiểu định kiến đối với phụ nữ làm đại diện dân cử, cần tập trung vận động xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ tham chính ở nơi có nhiều định kiến nhất, đặc biệt ở cấp thôn/tổ dân phố. Việc đề ra chỉ tiêu ứng cử viên nữ trong bầu đại biểu đại diện cho người dân ở cấp thôn/tổ dân phố càng phù hợp hơn mặc dù khó thực hiện hơn ở cấp này.
Theo bà Robyn Mudie, các phát hiện quan trọng về giới, lãnh đạo và cuộc bầu cử năm 2021 trong báo cáo 2019 nhấn mạnh còn nhiều việc cần làm để khắc phục định kiến giới đối với phụ nữ được bầu vào các vị trí lãnh đạo và đảm bảo rằng các ứng cử viên nữ đủ điều kiện được bầu chọn sẽ được đề cử nhằm có tiếng nói bình đẳng trong đời sống chính trị và kiến thiết phát triển của quốc gia.