Do đó, cơ quan chức năng cần thiết kế các chính sách hỗ trợ đặc thù để tạo điều kiện cho lao động nữ sau tinh giản có cơ hội, điều kiện tiếp cận với việc làm mới.
Để nhìn nhận vấn đề này một cách thực tế và toàn diện hơn, PNVN xin trích dẫn ý kiến của một số lao động nữ.
Giáo viên Hà Thị Hợp (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang)
Tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mèo Vạc, vợ chồng giáo viên Hà Thị Hợp vẫn kiên trì cắm bản, đứng lớp hơn 10 năm nay ở trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học Cơ sở Xín Cái, xã Xín Cái.
Chị Hợp cho biết, biên chế với giáo viên là rất quan trọng, đặc biệt là với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Khi có biên chế, giáo viên mới yên tâm công tác, cống hiến, nỗ lực vượt qua khó khăn, để đứng lớp, bám trụ cùng với các em học sinh dân tộc thiểu số ở những vùng biên cương xa xôi. Như trường hợp vợ chồng chị, có biên chế là có thêm phụ cấp khu vực biên giới, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Tổng số lương mỗi người hơn 10 triệu đồng đã giúp anh chị phần nào tạm đủ chi phí sinh hoạt và chăm lo cho con, yên tâm tiếp tục công tác, bám trụ tại vùng xa xôi, hẻo lánh này.
Theo chị Hợp, trường THCS Xín Cái có 27 giáo viên, vẫn còn trường hợp đang là hợp đồng. Với giáo viên chưa vào được biên chế thì khó khăn trăm bề. Nguồn thu nhập chỉ trông vào đồng lương hợp đồng 3,5 triệu đồng/tháng. Xã biên giới này cách thành phố Hà Giang hơn 200km, đời sống người dân nơi đây rất khó khăn. Chi phí sinh hoạt, tiền mua lương thực, thực phẩm ở vùng miền núi này đắt đỏ. “Chỉ có lương hợp đồng thì giáo viên cắm bản sẽ không đủ sống”, chị Hợp khẳng định.
Mỗi lần nghe thông báo từ Phòng Giáo dục huyện, từ trường về vấn đề tinh giản biên chế, đội ngũ giáo viên không khỏi xao động, lo lắng. Chị Hợp kiến nghị các cấp lãnh đạo cân nhắc, xem xét về việc tinh giản biên chế, đặc biệt là biên chế với đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi nếu không có biên chế, đời sống giáo viên không được đảm bảo, thì các giáo viên dù có yêu nghề đến thế nào cũng khó có thể bám trụ để đồng hành với học sinh dân tộc thiểu số ở những khu vực khó khăn này.
Điều dưỡng Trần Ngọc Bích (Bệnh viện Nhi Trung ương)
“Tôi được biết tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra có bàn thảo về chủ trương tinh giản biên chế. Cụ thể như tinh giản 10% biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương tinh giản ở những khu vực phục vụ. Trong ngành y, lao động nữ chiếm khá lớn, đặc biệt là ở lĩnh vực điều dưỡng. Tôi cho rằng, tinh giản biên chế là đúng, để giảm gánh nặng chi lương của ngân sách Nhà nước, nhằm cải cách chính sách tiền lương, song các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chính sách đối với những trường hợp bị tinh giản.
Điều quan trọng nhất là sau giảm biên chế, những trường hợp đó vẫn có việc làm và thu nhập. Ví dụ đang là biên chế Nhà nước (công chức) có thể chuyển sang viên chức hoặc hình thức ký hợp đồng nào đó mà người lao động vẫn có việc làm và được trả thu nhập theo sức lao động, cống hiến của họ”.
Chị Nguyễn Thúy Linh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
“Khi nhận được quyết định tinh giản, tôi đã rất hụt hẫng và lo lắng vì đã có nhiều năm cống hiến, đóng góp cho cơ quan. Bản thân tôi thực sự yêu thích công việc mình làm. Nghỉ việc nghĩa là tôi và gia đình mất đi khoản lương hàng tháng để lo cho cuộc sống, kèm theo đó là các quyền lợi khác. Tôi phải tự mình đi tìm công việc mới để tiếp tục cuộc sống.
Tôi nghĩ rằng, việc tinh giản biên chế nhằm sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một quyết định, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được khảo sát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực hiện. Vì vậy, là công chức, viên chức thì mình phải chấp hành nghiêm, gương mẫu thực hiện. Với tôi, tuy không được tiếp tục làm việc ở cơ quan nhà nước nữa nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức để chăm lo cho gia đình cũng như đóng góp cho xã hội”.
Chị Nguyễn Huyền Thanh (TPHCM)
“Việc tinh giản biên chế trong thời gian gần đây đang được lãnh đạo cơ quan nơi tôi làm việc tập trung thực hiện. Dù chưa có thông tin chính thức nhưng bản thân tôi nghĩ rằng trong tương lai mình cũng sẽ là một trong những người bị tinh giản biên chế do dôi dư khi cơ cấu lại cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác.
Thực lòng, tôi không hề muốn mình trở thành đối tượng bị tinh giản. Tôi đã có thời gian dài gắn bó với cơ quan, công việc, cuộc sống cũng đã ổn định. Tuy nhiên, nếu bị tinh giản thì tôi vẫn sẽ nghiêm chỉnh chấp hành bởi đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tôi chỉ hy vọng, nếu phải nghỉ việc ở cơ quan thì các cơ quan ban ngành có thể hỗ trợ, tạo điều kiện để tôi dễ dàng kiếm được một việc mới phù hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình. Hoặc ít ra, cũng có thể tạo điều kiện để tôi đi học nghề mà thị trường lao động đang cần, có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình. Bởi lẽ, bắt đầu lại với một công việc mới thực sự không phải là điều dễ dàng, nhất lại là với một người phụ nữ”.
Bên hành lang Quốc hội ngày 23/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Con đường quan trọng nhất để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và giảm nhẹ lực lượng lao động đang làm việc mà không hiệu quả, đang hưởng ngân sách nhà nước. Phải giảm một cách tối đa lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, không tạo ra được giá trị của lao động chính là nguồn lực, điều kiện để cải cách chính sách tiền lương, nâng cao tiền lương cho người lao động. Hiện nay, tất cả các cơ quan công lập phải thực hiện theo “khoán kết quả đầu ra”, cụ thể như ngành y tế, giáo dục đang đi đầu trong việc này. Với ngành giáo dục, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Giáo viên phổ thông cơ sở thì cơ bản vẫn phải có biên chế và tùy theo số lượng học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo để đưa giáo viên về. “Nếu không có biên chế cho giáo viên về các vùng này thì ai sẽ chịu về để giảng dạy?”. Còn các trường Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề “dứt khoát là phải chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu, dần dần chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Trong đó phân ra một số loại như tự chủ hoàn toàn về biên chế, tổ chức bộ máy, tiền lương; tự chủ một phần có sự hỗ trợ của Nhà nước... |
Bà Nguyễn Thị Nhung (62 tuổi, nguyên nhân viên thuộc khối đoàn thể ở tỉnh Bình Định) “Năm 1994, tôi thuộc diện tinh giản biên chế vì cơ quan sắp xếp lại bộ máy. Cùng tinh giản với tôi đợt ấy còn có khá nhiều người khác. Có thể nói, đó là một trong những đợt tinh giản biên chế quy mô lớn. Hồi ấy, tôi chỉ có duy nhất nghiệp vụ làm thủ quỹ của cơ quan. Ngoài ra, tôi chưa được đào tạo nghề nghiệp nào khác, kinh doanh thì càng không nghĩ tới vì không có vốn liếng lẫn kinh nghiệm. Tôi cũng không thể tìm việc ở cơ quan khác. Đã thế, 2 con còn nhỏ, chồng cũng làm cơ quan nhà nước lương ba cọc ba đồng. Phải nói đời sống rất vất vả, kéo dài trong 3-4 năm tiếp theo. Trong thời gian đó, tôi đã tìm rất nhiều cách để kiếm sống, từ buôn bán vỉa hè cho tới chạy hàng điện tử của dân buôn lậu về bán lại, nhưng không việc nào phù hợp. Mãi đến năm 2000, khi thành phố Quy Nhơn bắt đầu phát triển các loại hình dịch vụ, tôi mới chung vốn cùng vài người bà con mở 1 tiệm internet nhỏ ở nhà người chị, khi ấy mới bắt đầu có thu nhập. Dần dần, tôi cũng thích ứng với kinh tế thị trường, trở nên năng động, linh hoạt hơn trong công việc. Trong 18 năm qua, tôi đã 4 lần “chuyển nghề”, để đến bây giờ, khi các con đều đã khôn lớn, vợ chồng tôi mới có cuộc sống tạm ổn định”. |