Tội phạm mua, bán người lợi dụng mạng xã hội khiến nhiều phụ nữ, trẻ em là nạn nhân

29/07/2018 - 19:01
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 người là nạn nhân của mua bán người. Thông qua mạng xã hội nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin đã trở thành “con mồi” của các đối tượng mua bán người.

Nạn nhân của mua, bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em

Nhằm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, vào chiều ngày 27/7 vừa qua, tại tỉnh Sơn La, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Cục tham mưu Cảnh sát (Bộ Công an), công an tỉnh Sơn La đã tổ chức buổi Hội thảo “Bàn về giải pháp phòng, chống mua bán người qua di cư trái phép ra nước ngoài”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng ban Tuyên giáo (TW Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, đánh giá được đúng thực trạng tình hình hoạt động tội phạm mua bán người nói chung và thông qua di cư trái phép nổi lên tại địa phương mình, khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này...

ht1.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Theo báo cáo đưa ra tại Hội thảo, Việt Nam là một nước trong các nước tiểu vùng sông Mê – Kông được đánh giá là điểm nóng về tình trạng mua bán người. Chỉ tính từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 868 vụ, với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân, tăng 7% số nạn nhân so với giai đoạn 2011-2015 (là 2.200 người).

Tuy nhiên, đây chỉ mới là phần nổi của “tảng băng chìm”, con số thực tế lớn hơn nhiều, tình trạng mua bán người trên thế giới và khu vực ngày càng trở nên phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lừa ép bán hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê, bán nội tạng…

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và thông qua các trang mạng xã hội, các đối tượng mua bán người đã nhắn tin kết bạn, giả vờ yêu đương rồi rủ rê lôi kéo, hay vẽ ra viễn cảnh về sự giàu sàng, xa hoa của những “vùng đất hứa” để lừa bán ra nước ngoài hay cho các nhà hàng, quán karaoke, động mại dâm, làm vợ, cưỡng bức lao động… Nạn nhân của các đối tượng mua bán người nhắm đến là chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và tập trung ở những nhóm người có sự khó khăn về kinh tế, nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác về tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người, là học sinh của các trường học nội trú.

Giải pháp đấu tranh phòng, chống mua bán người “thời đại 4.0”

Tại buổi Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nêu lên thực tế đáng buồn về tình trạng mua bán người có chiều hướng phức tạp ở Việt Nam. Bà Hòa chia sẻ: Nhu cầu về việc làm, có thu nhập là một nhu cầu chính đáng mà chúng ta chưa đáp ứng được. Do đó nhiều người dân đã bất chấp vi phạm pháp luật để vượt biên, di cư trái phép ra nước ngoài và biến mình trở thành những nạn nhân của các đối tượng mua bán người, bị cưỡng bức lao động...

ht2.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ về tình hình mua bán người đang diễn biến phức tạp.

Nhiều đối tượng mua bán người cũng đã đánh vào lòng tham của con người, nhiều người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn có cuộc sống sung sướng, hưởng thụ... nên đã trở thành những nạn nhân của mua bán người từ lúc không hay. Đặc biệt, đáng lo lắng hơn là nhiều em học sinh tại các trường nội trú, nơi được xem là an toàn nhất cũng bị các đối tượng mua bán người nhắm đến, tình trạng kết hôn giả, mua bán trẻ em... ngày càng trở nên báo động.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả về phòng, chống mua bán người, Đại tá Phan Thăng Long, Cục phó Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho hay: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua, bán người... để từ đó các cấp, ngành xác định rõ nhiệm vụ, thống nhất nhận thức, tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

ht3.jpg
Đại tá Phan Thăng Long phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặt tình trạng di cư trái phép ra nước ngoài ngay từ cơ sở như: bản, làng, xã và thôn bản. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác Quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng chống mua, bán người thông qua di cư trái phép và giải quyết các vấn đề nạn nhân bị mua bán liên quan hai biên giới.

Cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu, Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Hà Giang, đề xuất: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người trái phép thông qua di cư ra nước ngoài trái phép ở những địa bàn có nguy cơ cao thì lực lượng công an, biên phòng cần phối hợp tổ chức thực hiện tốt phương án đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tổ chức diễn tập phòng, chống tội phạm tại các xã biên giới, đưa nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh tội phạm thành nếp sống và là nguyện vọng, lợi ích của công dân.

Ngoài ra, cần quan tâm tạo việc làm, ưu tiên vay vốn phát triển sản xuất, tạo môi trường thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán nhằm không ngừng nâng cao mức thu nhập cho người dân; làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào, mở các lớp dạy nghề, làng nghề truyền thống.

ht4.jpg
Các biểu cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp.

Bên cạnh đó, cần làm tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tìm và phát huy tốt vai trò của những người có uy tín, gia làng, trưởng bản, trưởng họ, làm nòng cốt trong các phong trào; lựa chọn những mô hình tiêu biểu để triển khai nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm... để từ đó nâng cao ý thức giác ngộ của quần chúng về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Cũng tại buổi Hội thảo, Vũ Thị An, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cho biết: Xác định là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể: Hằng năm đều triển khai chương trình về phòng, chống mua bán người... lồng ghép thực hiện phong trào thi đua bằng nhiều hình thức. Động viên, chia sẻ và tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế cho phụ nữ bị mua bán trở về. Xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội... Đồng thời, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giúp chị em phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Qua đó, đại diện Hội LHPN tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị các bộ, ngành TW và địa phương mở nhiều hội thảo, lớp tập huấn nhằm cũng cấp thêm kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên các cấp Hội. Đầu tư, xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng cồng. Ngoài ra, cần thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp đến người dân về công tác phòng, chống mua bán người.

mua-ban-nguoi.jpg
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. Ảnh: Hội Quân

 

Cũng trong khuôn khổ "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" tại Sơn La đã diễn ra triển lãm ảnh với nội dung "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với công tác phòng, chống mua bán người".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm