pnvnonline@phunuvietnam.vn
Trao mô hình sinh kế giúp người nghèo không còn lẻ loi trên chặng đường vượt khó
Chị Mỷ chăm chỉ làm lụng để có thể thoát nghèo
Niềm vui nhân đôi
Tôi tới Sơn Vĩ vào những ngày đầu tháng 3. Không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống khiến nhiệt độ ở Sơn Vĩ giảm mạnh, trời khá rét buốt.
Chị Giàng Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Lũng Chỉn, cùng chồng con quây quần bên bếp lửa, mỗi người một việc. Anh Chứ Mí Dống, chồng chị, loay hoay sửa vai cày, cậu con trai lớn đun nước, bé gái xếp gọn lại đống củi, 2 bé còn lại ngồi sưởi ấm, còn chị Mỷ thái cỏ voi.
Vợ chồng chị Mỷ còn trẻ nhưng đã có 4 người con. Nương ít, lại đông con, năm nào gia đình chị Giàng Thị Mỷ cũng thiếu ăn 2-3 tháng. Cả gia đình sống trong ngôi nhà gỗ nhỏ, lụp xụp, mưa xuống là ngập nước. Ăn còn chưa đủ, nói chi đến việc sửa nhà. Ước mơ có một mái nhà kiên cố đủ che nắng, che mưa của anh gia đình chị Mỷ trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
Không giống như nhiều phụ nữ Mông khác luôn e dè, kín tiếng, chị Mỷ là người cởi mở, hoạt ngôn. Qua những lần trò chuyện, chị thổ lộ mong muốn có được mái nhà kiên cố, có được con bò, con lợn để phát triển sinh kế.
Nhận thấy chị Mỷ là người chịu thương chịu khó, không ngại làm lụng vất vả, lại có chí hướng vươn lên, chính quyền địa phương, cán bộ Hội phụ nữ, những người lính biên phòng Sơn Vĩ đã kêu gọi các nhà hảo tâm và doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ kinh phí để xây tặng gia đình chị Mỷ ngôi nhà mới. Chỉ trong thời gian ngắn, một ngôi nhà mới rộng rãi, vững chắc đã được hoàn thành dành tặng vợ chồng chị Mỷ.
Chị Mỷ vốn là người chịu thương, chịu khó, không nề hà việc gì. Từ ngày có bò, chị trồng cỏ, rồi đi cắt cây rừng, chăm sóc bò với niềm hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo. Sau 1 năm chăm sóc cẩn thận, bò mẹ đã đẻ được 1 con bê. Chị Mỷ rất phấn khởi vì đã có sinh kế bền vững.
Chị Mỷ tâm sự: "Tôi rất mong muốn làm ăn phát triển kinh tế để thoát nghèo, nhưng hai vợ chồng không có vốn, cũng không có kiến thức. Từ ngày được cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ, tôi thấy yên tâm hơn. Bây giờ, tôi muốn vay vốn của nhà nước để mua thêm trâu bò về nuôi".
Chị Mỷ chăm chỉ làm lụng để có thể thoát nghèo
Bớt khó khăn hơn nhờ "món quà" thiết thực
Không chỉ chị Mỷ, nhiều phụ nữ khác ở xã biên giới Sơn Vĩ đã được trao "cần câu" từ mô hình bò sinh sản luân chuyển. Thậm chí, đối với nhiều gia đình, 1 con bò sinh sản là ước mơ trong 10 năm trời như gia đình bà Ly Thị Mê, dân tộc Mông, ở thôn Cò Súng.
Vợ chồng bà Mê từng có 1 con bò trưởng thành để phục vụ cho việc làm nương. Đây cũng là tài sản quý giá nhất của gia đình người phụ nữ Mông này. Không may, chồng bà bị bệnh không qua khỏi. Theo phong tục của người Mông, bà phải thịt con bò để làm ma cho chồng.
Từ đó đến nay là 10 năm, bà Mê và các con làm lụng vất vả nhưng không thể dành dụm đủ tiền để mua 1 con bò. Việc làm nương của gia đình bà vì thế cũng khó khăn, không chủ động được. "Đến mùa gieo hạt, tôi đều phải chạy khắp thôn để hỏi mượn bò về cày nương", bà Mê kể. Vì lẽ đó, khi được tặng con bò mẹ vào năm 2021, bà Mê cứ ngân ngấn nước mắt vì mừng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Giàng Mí Mua, con trai bà Mê, chia sẻ: "Khi được tặng bò, chúng tôi không phải lo sức kéo nữa, lại có phân để bón ruộng. Tôi sẽ chăm sóc thật tốt để nó sớm đẻ con. Tôi hy vọng, mỗi năm sẽ có thêm 1 con giống để gây thành đàn. Có được như vậy thì cuộc sống của gia đình tôi sẽ bớt khó khăn hơn", anh Giàng Mí Mua, con trai bà Mê, chia sẻ ước mơ về sinh kế bền vững.
Tận mắt chứng kiến niềm vui của những hộ dân được tặng bò, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của mô hình bò sinh sản. Từ 16 con giống ban đầu, đến nay, mô hình bò sinh sản luân chuyển đã phát triển được 69 con. Không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chương trình hỗ trợ con giống còn tạo động lực, cổ vũ các hộ dân tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.