Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế

Hoàng Oanh
23/10/2022 - 23:06
Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế

Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo không phải bởi vì họ là người dân tộc thiểu số mà là do họ chưa có cơ hội tiếp cận với các kiến thức để nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất cũng như không được tiếp cận các nguồn lực đầu vào như nguyên liệu, kỹ thuật. Ông Phil Harman, cố vấn trưởng dự án GREAT (Dự án về nâng quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh tế và du lịch) khẳng định.

Dự án GREAT là chương trình về giới quan trọng nhất của Australia thực hiện tại Việt Nam, với tổng trị giá 33,7 triệu đô la Úc. Dự án hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đối tác xã hội dân sự để xây dựng hệ thống thị trường và kinh doanh bao trùm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch ở hai tỉnh Sơn La và Lào Cai. Dự án cũng nỗ lực để đảm bảo phụ nữ địa phương và người dân tộc thiểu số tích cực tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động tăng trưởng kinh tế có liên quan.

Dự án hướng tới mục tiêu cải thiện thu nhập cho 40.000 phụ nữ tại Sơn La và Lào Cai; góp phần tạo thêm khoảng 4.000 việc làm cho phụ nữ; 80% phụ nữ hưởng lợi từ dự án tăng sự tự tin, nhiệt tình và tự tôn; tăng 15% số phụ nữ lãnh đạo và đồng quản lý doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.

Dự án GREAT bắt đầu vào năm 2017, hiện đang bước sang giai đoạn thứ hai và sẽ được kéo dài đến năm 2027.

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Phil Harman, cố vấn trưởng dự án GREAT (Dự án về nâng quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh tế và du lịch)

Đặc biệt, thông điệp dự án mang tới chính là: Giải quyết vấn đề nâng quyền kinh tế cho phụ nữ không chỉ giúp họ tăng thu nhập mà còn hỗ trợ cải thiện quyền tự ra quyết định trong gia đình, cộng đồng và xã hội.

Ông Phil Harman, cố vấn trưởng dự án GREAT  đã có những chia sẻ về nâng quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh tế và du lịch.

+ Với kinh nghiệm triển khai các dự án hỗ trợ nhiều nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại hai tỉnh miền núi Lào Cai và Sơn La, ông thấy đâu là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận và trao quyền cho họ?

Một nửa số người dân tộc, đặc biệt là những người H’mong tham gia dự án không thể nói tiếng Việt. Điều này khiến chúng tôi gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là trong việc tiếp cận, làm việc để nâng cao năng lực cho họ.

Ngoài ra, chúng tôi nhiều khi cũng phải quyết những vấn đề liên quan đến chuẩn mực xã hội, ngăn cản sự phát triển của phụ nữ trong cộng đồng, chẳng hạn như việc nhiều gia đình người dân tộc thiểu số không muốn con cái tham gia làm việc trong ngành du lịch vì những quan niệm tiêu cực trong ngành này.

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Dự án đã tiếp cận được với đông đảo chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, thu hút sự tham gia của họ vào các hoạt động

+ Những thách thức này đã được dự án giải quyết theo hướng nào, thưa ông?

Chúng tôi đã triển khai phương pháp gồm 3 bước là tiếp cận, lợi ích và trao quyền. 

Bước tiếp cận có lẽ là bước dễ nhất khi chỉ cần thu hút sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động của dự án. 

Bước thứ 2 là tạo ra lợi ích, làm sao để giúp phụ nữ tiếp cận được với các nguồn lực, các nguồn tài nguyên để tham gia sản xuất, tăng thu nhập và tạo việc làm cho họ. 

Bước trao quyền chính là bước khó nhất bởi chúng tôi phải giải quyết các vấn đề như làm sao để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định, hoặc cân bằng khối lượng công việc giữa người vợ hoặc người chồng trong gia đình, tiến tới nâng cao khả năng lãnh đạo của người phụ nữ trong các hoạt động.

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Từ dự án, nhiều chị em đã tự tin đứng lên, chứng minh khả năng lãnh đạo của mình

+ Qua các chương trình dự án GREAT đang thực hiện, ông đánh giá thế nào về cách ứng xử tự tin, năng động của phụ nữ dân tộc?

Phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo không phải bởi vì họ là người dân tộc thiểu số mà là do họ chưa có cơ hội tiếp cận với các kiến thức để nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất cũng như không được tiếp cận các nguồn lực đầu vào như nguyên liệu, kỹ thuật. 

Chúng tôi đang xây dựng bản đồ thị trường nhằm thu hút sự tham gia của phụ nữ vào chuỗi giá trị trong quá trình sản xuất, tập trung thay đổi các dịch vụ hiện có dành cho người phụ nữ như tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao kỹ năng cho họ, đồng thời hỗ trợ để giúp họ vay vốn tiếp cận tín dụng một cách tốt hơn. 

Ngoài ra, chúng tôi làm việc với khối các doanh nghiệp tư nhân để làm sao giải quyết được những nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng đói nghèo thay vì chỉ giải quyết các triệu chứng bề ngoài.

Trao quyền cho phụ nữ dân tộc thông qua các cơ hội tiếp cận kiến thức phát triển kinh tế - Ảnh 4.

Dự án cũng tập trung tăng cường tiếp cận tài chính, ứng dụng công nghệ số trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Bên cạnh lĩnh vực du lịch, các hoạt động của dự án cũng tập trung vào các ngành nghề về nông nghiệp, trong đó có những ngành truyền thống thu hút nhiều phụ nữ tham gia như trồng chè, cấy lúa và trồng dược liệu, trồng măng, hay có những ngành mới cũng có sự tham gia của đông đảo phụ nữ là trồng cây gai xanh.

Đồng thời chúng tôi cũng tập trung giải quyết các vấn đề như chính sách, tăng cường tiếp cận tài chính, ứng dụng công nghệ số trong cộng đồng dân tộc thiểu số và nâng cao tinh thần khởi nghiệp.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông! Xin chúc cho giai đoạn 2 của Dự án tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, giúp thêm nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ Dự án!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm