pnvnonline@phunuvietnam.vn
TS Phạm Khánh Phong Lan: An toàn thực phẩm của thành phố hơn 10 triệu dân luôn "nóng", phức tạp
TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024, dù bận rộn nhưng Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - bà Phạm Khánh Phong Lan - đã dành thời gian chia sẻ cùng Báo Phụ nữ Việt Nam một số nội dung bạn đọc quan tâm.
Xem việc quản lý an toàn thực phẩm cho người dân như là "nhiệm vụ chính trị"
PV: Được giao nhiệm vụ Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - địa phương đầu tiên thành lập này - để chuyên trách nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm cho thành phố hơn 10 triệu dân, bà có áp lực gì?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: TPHCM có quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu sử dụng và lưu lượng lương thực, thực phẩm trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu rất lớn, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm luôn "nóng", phức tạp. Các chợ truyền thống, các chợ đầu mối cơ sở vật chất xuống cấp, khó bảo đảm vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng vẫn còn thói quen ủng hộ chợ "chồm hổm" bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố diễn ra phổ biến, rất khó quản lý; tình trạng thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại, sản xuất, chế biến theo công nghệ cũ, thủ công không bảo đảm chất lượng, không ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng... còn nhiều, đã trở thành mối lo, nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.
Hiện nay, địa bàn thành phố có 236 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, hơn 80% thực phẩm đều nhập từ các địa phương khác... Thực trạng đó đặt ra yêu cầu rất lớn, cần có phương thức quản lý an toàn thực phẩm mang tính đặc thù, chặt chẽ với chế tài đủ mạnh cũng như các cơ chế phối hợp đồng bộ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Do vậy việc quản lý an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, Tôi xem như là "nhiệm vụ chính trị" nên dù có áp lực hay không cũng phải làm, và sẽ cố gắng ngày làm tốt hơn.
PV: Theo bà, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm có ý nghĩa như thế nào với TPHCM?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có chấp thuận cho thành phố được thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM (Sở ATTP) là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Ngày 01/01/2024 Sở ATTP chính thức hoạt động và hiện đang là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước. Sở ATTP chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TPHCM), đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Sở ATTP hoạt động theo phương thức thống nhất một đầu mối về công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm tập trung một đầu mối. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp, thuận lợi hơn so với trước.
Với việc tập trung một đầu mối như vậy sẽ ứng phó tốt hơn, kịp thời hơn những tình huống xử lý sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm, giám sát mối nguy trên địa bàn thành phố.
Các hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trước đây.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền
PV: Có thể nói, Ban Quản lý An toàn thực phẩm trước đây đã đóng góp rất nhiều trong việc quản lý An toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhưng với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm hiện nay, người dân kỳ vọng rất lớn về những chuyển biến tích cực hơn. Xin Bà cho biết, Sở sẽ tập trung ưu tiên vào những công việc gì trong thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian tới?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Về công tác xây dựng thực phẩm sạch, hiện nay Sở ATTP có Phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm, đây là đơn vị đang triển khai 3 đề án lớn gồm: Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc" thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm; Chuỗi thực phẩm an toàn và Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Do vậy, các việc tiếp theo phải làm là:
+ Tiếp tục triển khai Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" theo kế hoạch đã được duyệt; phối hợp các tỉnh, thành phố cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu về sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chứng nhận về đảm bảo an toàn thực phẩm được tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
+ Phối hợp với Ban Quản lý các chợ triển khai giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ xây dựng Mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
+ Tiếp tục triển khai Đề án "Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc" thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, nếu được sẽ làm truy xuất thêm một số sản phẩm khác.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục: tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông. Rà soát hồ sơ quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tiếp tục cập nhật thông tin, các văn bản chỉ đạo về tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố để đăng tải trang thông tin điện tử.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật có liên quan; Tăng cường truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng chợ kinh doanh an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, quản lý điều hành và triển khai Đề án đô thị thông minh về lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Sở An toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Sở ATTP cũng sẽ tăng cường công tác quan hệ quốc tế trong việc học tập, trao đổi kinh nghiệm về an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức, trình độ cho các nhân sự quản lý ATTP.
Về công tác thanh kiểm tra, giám sát ATTP: triển khai thực hiện công tác thanh kiểm tra, giám sát và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố và công tác hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm; Tiếp tục triển khai giám sát nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2024.
PV: Thách thức lớn nhất trong vấn đề quản lý An toàn thực phẩm đối với 1 thành phố hơn 10 triệu dân như TPHCM là gì, thưa bà?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đó là việc phải tăng cường làm sao kiểm soát được các loại thực phẩm được chế biến, sản xuất, kinh doanh không có nguồn gốc được rao bán trên các trang thông tin điện tử mà không đăng ký rõ ràng, không biết rõ nơi bán, nơi lưu trữ sản phẩm và khó truy vết khi sản phẩm có sự cố về an toàn thực phẩm.
Buôn bán thực phẩm tự phát xuất hiện xung quanh các chợ đầu mối và các chợ truyền thống vẫn còn, mặc dù các chợ đã phối hợp với lực lượng phường phát loa, treo băng rôn tuyên truyền việc ngưng bán hàng nhưng họ vẫn bán. Trong số hàng hoá đó có thực phẩm mà nguồn thực phẩm đó khó mà kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng.
Về nhân lực quản lý an toàn thực phẩm: Sở ATTP TPHCM chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2024, là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM; có chức năng tham mưu, giúp UBND TPHCM quản lý nhà nước về ATTP. Sở ATTP chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND TPHCM. Đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Nhân lực của Sở ATTP TPHCM được sắp xếp từ 3 ngành nói trên, ban đầu có 468 biên chế nhưng hiện nay chỉ còn 381 biên chế.
Tăng cường kiểm tra để người dân an tâm vui Tết
PV: Còn ít ngày nữa cả nước sẽ đón Tết cổ truyền và vấn đề An toàn thực phẩm đối với 1 thành phố lớn như TPHCM rất được quan tâm. Sở có kế hoạch gì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân thành phố an tâm vui Tết?
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Trước mắt, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, Sở ATTP đã thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối, tập trung vào khâu phân phối hàng hóa, bảo đảm ATTP. Qua đó đảm bảo để người dân Thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm. Sở ATTP sẽ đẩy mạnh thanh tra đột xuất, có như vậy doanh nghiệp mới không dám làm ẩu vì có thể bị thanh tra đột xuất bất cứ lúc nào nếu có đơn tố cáo, khiếu nại.
Ngoài ra, Sở ATTP sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về thực phẩm an toàn, giúp người dân có thể xác định được thực phẩm sạch, từ đó chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các trường hợp ngộ độc có tính ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, việc sử dụng các chất phụ gia.
Sở ATTP kêu gọi người dân ủng hộ, mua hàng ở những nơi mà thực phẩm rõ nguồn gốc, hợp pháp; tuyệt đối không mua đồ ở vỉa hè vì không có hóa đơn chứng từ, không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Đối với các chủ cơ sở bán thực phẩm online, Sở ATTP yêu cầu phải làm thủ tục về quy trình sản xuất, vệ sinh, nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu và sản phẩm. Điều này vừa phục vụ công tác kiểm tra vừa giúp người dân an tâm hơn khi mua hàng. Nếu phát hiện vi phạm, Sở ATTP sẽ xử phạt, không loại trừ hình thức kinh doanh thực phẩm nào.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!