pnvnonline@phunuvietnam.vn
U90 vẫn "gạt nắng đội mưa" đến với những học trò đặc biệt
Cô Hoàng Ngọc Thương và học trò
Lớp học đêm giữa lòng thành phố
Đúng 18 giờ, cô giáo Hoàng Ngọc Thương đạp xe đến trường THCS Độc Lập để dạy chữ cho lớp học đêm. Lớp học nằm trong chương trình phổ cập giáo dục của trường THCS Độc Lập. Chương trình dạy từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi lớp có một giáo viên phụ trách. Hiện cô giáo Thương đang phụ trách dạy cho học sinh lớp 4 và cũng là cô giáo lớn tuổi nhất ở đây.
Gọi là lớp học đặc biệt vì học sinh của cô mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau. Có em đã đi làm bảo vệ hoặc đi bán vé số ban ngày, có em chậm phát triển, có em đã ngoài 30 tuổi nhưng mới học chương trình tiểu học...
"Những cô giáo dạy phổ cập thường là giáo viên lớn tuổi, đã về hưu, có kinh nghiệm về sư phạm. Vì lớp học đêm có nhiều em đã lập gia đình mới đi học lớp 1 nên rất mặc cảm. Khi đi học với cô giáo già sẽ có cảm giác như bà ngoại, bà nội ở nhà, nên các em không ngại ngần. Tôi đứng trên bục giảng hơn 60 năm rồi. Lúc chưa về hưu thì dạy song song cả lớp ngày và lớp đêm. Sau khi về hưu thì tiếp tục tham gia lớp phổ cập này", cô Thương chia sẻ.
Theo cô Thương, học sinh ở lớp học đêm trước khi vào trường đều phải trải qua vòng khảo sát trình độ để xếp lớp. Học sinh chỉ cần có nguyện vọng đi học đều được nhận vào học miễn phí. Cách thức tổ chức lớp học tương tự như lớp dành cho học sinh vào ban ngày.
"Lớp học có những em đã đi làm bảo vệ, đi buôn bán... Các em cần cái chữ để ghi tên, ghi lịch làm việc. Các em đến xin học không cần điều kiện gì, trình độ nào cũng nhận, có hộ khẩu hay không cô cũng nhận và hướng dẫn làm hồ sơ, mang đến thầy Chung, hiệu trưởng, ký là được vô học. Các em học ở đây cũng có bằng cấp như các em học phổ thông. Các em có quyền được đi học nên có thể học đại học", cô Thương cho biết.
"Đứng trước học trò, cô cảm thấy vui"
Cô Thương chia sẻ: "Các em tham gia lớp học phổ cập đa số ban ngày đi lao động vất vả. Nhiều em mới vào còn rất nghịch, ăn nói không lễ phép. Nhưng khi vào lớp thì cô rèn lại ngay. Trong một lớp, cô cho học sinh cá biệt ngồi một bên, còn trình độ ngang nhau ngồi một bên. Mỗi em, cô đều có cách uốn nắn khác nhau. Ví dụ như xưng hô, chào hỏi... những điều rất nhỏ nhưng cả đời các em chưa bao giờ làm, vì vậy cô đều dạy lại. Thậm chí nhiều em không mặn mà với việc đi học, cô phải đến tận nhà vận động. Cô khuyên các em ra lớp học, học một chữ cũng được, đánh vần chữ "cô" thôi cũng được. Nhưng thực ra, một khi các em đã chịu đi học thì làm gì có em nào học một chữ đâu. Mỗi ngày mình dạy một chữ cộng một chút đạo đức sẽ tạo được một con người tốt".
Kể về người học trò ấn tượng trong cuộc đời dạy học của mình, cô Thương cho biết: "Đó là cậu học trò có tên Hồ Văn Sang. Cô còn nhớ, cứ mỗi tối em Hồ Văn Sang lại đội thúng bánh tráng để đi bán. Dưới cái thúng đựng bánh là đồng phục trường Độc Lập. Mẹ Sang giao nhiệm vụ phải bán hết mới được đi học. Vậy nên, các cô thầy đêm nào cũng chia nhau mua bánh tráng để ăn. Ai cũng ăn bánh tráng đến ngán luôn. Nhiều người hàng xóm còn thắc mắc tại sao đêm nào cô cũng ăn bánh tráng. Rồi em tốt nghiệp ra làm trưởng phòng bút bi Thiên Long. Mỗi khi nhận thưởng, em hay đổi sang nhận bút bi để giúp đỡ những học sinh khó khăn như mình trước đây".
"Con tằm đến chết vẫn còn vương tơ. Giống như cô tâm huyết với nghề giáo của mình. Khi khó khăn, cô làm đủ thứ nghề để mưu sinh thì phụ huynh, học sinh vẫn gọi cô là cô giáo. Cách xưng hô đó làm cô ấm lòng hơn là gọi bà này, bà kia. Cô đứng trước học trò, cô cảm thấy vui. Cô muốn truyền đạt lại cho thế hệ các thầy cô trẻ rằng, nghề giáo rất cao quý, đã theo thì không bỏ. Bà giáo già 80 tuổi như cô còn dạy được thì không có lý gì người trẻ không làm được. Cô đã theo nghề hơn 60 năm và bây giờ vẫn đứng trên bục giảng. Có lẽ những cây cô trồng nay cũng thành cây cổ thụ cả rồi chứ không chỉ là cây hái quả đâu", cô Thương dí dỏm chia sẻ.
Là cô giáo đáng kính của nhiều thế hệ học trò, cô còn là người mẹ của 10 người con. Tất cả các con của cô đều trưởng thành. Nhiều người đã tiếp bước mẹ trong sự nghiệp "trồng người".