pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ước tính khoảng 20% dân số cần sử dụng dịch vụ Công tác xã hội
Nhân viên công tác xã hội tại các bệnh viện. Ảnh minh họa: SL
Qua rà soát hành lang pháp lý về công tác xã hội (CTXH), Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh. Hành lang pháp lý về công tác xã hội ở Việt Nam còn nhiều bất cập, trong đó thiếu hụt lớn nhất là ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành, riêng biệt về CTXH.
Đặc biệt, CTXH chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp - chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH là lực lượng chính, nòng cốt cho nghề CTXH ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy nhu cầu cấp bách ở nước ta là sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp lý phù hợp - một văn bản ở tầm Nghị định để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này, nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về số lượng, chất lượng, hình thành đội ngũ viên chức, nhân viên CTXH chuyên nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, ước tính số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng 20% dân số.
Trong đó có khoảng 17 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo, 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, với những thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp, các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm gia tăng, trẻ em bị bỏ rơi, bị bóc lột lao động.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoãn, ngừng việc, bị mất việc làm, mất thu nhập, không bảo đảm được đời sống, có nguy cơ bị thiếu đói đặc biệt là các nhóm yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, người nghiện ma túy và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác; vấn đề về tâm lý trẻ em bị ảnh hưởng, trẻ mồ côi gia tăng.
Đề xuất 3 nhóm giải pháp chính sách để giải quyết 3 vấn đề giới trong Công tác xã hội
Lồng ghép vấn đề giới trong dự thảo Nghị định CTXH, ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Theo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH lớn, trong đó có phụ nữ khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán,...; tuy nhiên, số lượng cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH gia tăng nhưng chất lượng dịch vụ còn bất cập, do cơ sở pháp lý quy định về điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề; tiêu chuẩn dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Tại dự thảo Nghị định Công tác xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng 3 nhóm giải pháp chính sách để giải quyết 3 vấn đề giới.
Trong đó, nhóm vấn đề về "Nhu cầu của người dân được thụ hưởng dịch vụ CTXH" và thụ hưởng dịch vụ có chất lượng cao là rất lớn, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại; cá nhân, gia đình, nhóm gặp phải các vấn đề xã hội như: ly thân, ly hôn, bạo lực, bạo hành, nghèo đói, bị xâm hại, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn xã hội....
Dự thảo Nghị định về CTXH gồm có 6 chương và 56 điều, quy định về Quyền và nghĩa vụ của đối tượng CTXH; Người hành nghề CTXH; Quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ CTXH; Trách nhiệm quản lý nhà nước...
Các giải pháp cụ thể được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định như, Quy định về nguyên tắc hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH, trong đó có nguyên tắc: "Tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân..." (Điều 5 dự thảo Nghị định). Quy định về dịch vụ CTXH: "Thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, giảm nghèo..." (Điều 7 dự thảo Nghị định). Quy định các quyền và nghĩa vụ của đối tượng CTXH; Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ trong quá trình sử dụng dịch vụ CTXH...
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế là các vấn đề gia đình ngày càng gia tăng. Dịch vụ CTXH chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề xảy ra trong gia đình, trợ giúp có hiệu quả đối với phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình và trẻ em gái bị buôn bán, tạo sự ổn định, phát triển của xã hội. Giảm gánh nặng của phụ nữ và trẻ em gái trong việc chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, người bị rối nhiễu tâm trí trong gia đình.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng xây dựng các nhóm chính sách về Chuẩn hóa đội ngũ những người làm CTXH; Mở rộng, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH đáp ứng nhu cầu người dân. Theo Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách lớn của dự thảo Nghị định đã được đánh giá tác động gồm 03 vấn đề giới được xây dựng để giải quyết các vấn đề giới bất cập trong CTXH, đảm bảo không làm phát sinh vấn đề giới mới do các chính sách mới tạo ra, ngược lại góp phần bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong CTXH chịu tác động của mỗi chính sách.