pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vẫn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số
Ảnh minh họa
Đây là chia sẻ của ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tại Hội thảo "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù khu vực miền Nam" diễn ra ngày 23/8 tại tỉnh Sóc Trăng.
Hội thảo do Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức.
Theo ông Dương Sà Kha, Sóc Trăng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,18% dân số. Thời gian qua, công tác phụ nữ và công tác dân tộc của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khó tiếp cận với hệ thống giáo dục phổ thông. Tỉ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết còn thấp nên ít có cơ hội tiếp cận giáo dục hiện đại, dẫn đến nhận thức và năng lực tham gia các hoạt động xã hội bị hạn chế, cơ hội việc làm cũng gặp nhiều khó khăn.
Cùng với xu thế phát triển của thời đại công nghệ, nhất là công nghệ 4.0, phụ nữ dân tộc thiểu số đang đối mặt với rào cản về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số. Do không ít chị em hạn chế về trình độ học vấn, ngôn ngữ và thiếu hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, công nghệ nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính công.
"Tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội dẫn đến tỉ lệ cán bộ, công chức nữ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan đảng, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính và các tổ chức chính trị - xã hội còn thấp và chưa tương xứng với quy mô của lực lượng lao động nữ dân tộc thiểu số", ông Dương Sà Kha nói và nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít đề cập đến vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng, thực hiện, giám sát, đánh giá chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập, phát triển kinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng, để hạn chế và xóa bỏ rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng cần thiết phải có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo đó, cần thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền và vận động bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng nhằm thay đổi "nếp nghĩ, nếp làm", góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tập trung huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, quan tâm công tác nguồn cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia hệ thống chính trị các cấp. Chú trọng công tác tuyển dụng cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Trong công tác tuyển dụng, ngoài các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện chung, ưu tiên tuyển dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
Theo Hội LHPN Việt Nam, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, công tác phụ nữ tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam có khá nhiều thuận lợi, được cấp ủy các tỉnh, thành tổ chức thực hiện nghiêm túc; các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể vào cuộc đồng bộ, tạo được những thay đổi tích cực và phát huy được vai trò nòng cốt, sáng tạo của các cấp Hội phụ nữ.
Để đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Hội LHPN Việt Nam chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thực về bình đẳng giới; chỉ đạo Hội LHPN các cấp trong việc tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, công tác phụ nữ tại các địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tỉ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số là lãnh đạo chủ chốt chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ. Cơ chế, chính sách và đặc biệt là việc tạo nguồn còn thiếu những giải pháp thực sự căn cơ.