Bà bầu phải đi cách ly cần làm gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé?

Linh Trần
06/06/2021 - 11:10
Bà bầu phải đi cách ly cần làm gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé?

Nhân viên y tế khám sàng lọc cho thai phụ tại khu cách ly tập trung

Theo quy định hiện hành, nếu là F1 thì phải cách ly tập trung, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Vậy nếu thai phụ chẳng may phải cách ly tập trung thì cần làm gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé.

Hiện nay, dịch Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng gia tăng. Trong khi đó, có đến trên 60% số ca mắc không có triệu chứng nên người dân không biết mình có thể trở thành F1 lúc nào. 

Thực tế, thời gian qua đã có một số trường hợp sinh con trong khu cách ly. Vì vậy, bà bầu vẫn phải đi cách ly nếu mình là F1 hoặc F0. Nhiều chị em đặt câu hỏi: Nếu đang mang bầu mà phải đi cách ly thì cần phải làm những gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé?

Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, cũng như mọi đối tượng khác, phụ nữ có thai nếu có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 thì phải chấp hành cách ly y tế. Trong điều kiện cách ly, các dịch vụ chăm sóc thai sản phần nào bị gián đoạn. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi, thai phụ cần thực hiện theo hướng dẫn dưới đây.

Vệ sinh phòng dịch

Nếu có điều kiện, thai phụ nên được ở phòng riêng, đảm bảo kín đáo, an toàn và có thể dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh trong trường hợp cần thiết.

Phòng ở cần đảm bảo thoáng khí và có nhiều ánh sáng. Ánh sáng vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa giúp cho cơ thể tự tổng hợp Vitamin D. Tốt nhất trong phòng nên có khu vệ sinh khép kín với đầy đủ nước sạch, xà phòng, nước rửa tay, dụng cụ và chất tẩy rửa, chỗ treo khăn tắm, khăn mặt riêng. Trong trường hợp không có khu vệ sinh riêng, cần làm sạch bằng xà phòng, khử trùng thiết bị vệ sinh bằng dung dịch chứa tối thiểu 70% cồn y tế trước và sau khi sử dụng.

Thai phụ nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các hoá chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính vì có có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Chế độ dinh dưỡng

Thai phụ tại nơi cách ly cần có một chế độ ăn riêng, đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thai. Trong đó, đặc biệt chú ý tới các khoáng chất, vi chất cần thiết như canxi, sắt, axit folic (Vitamin B9), Vitamin C…

Đặc biệt, do phải hạn chế ra ngoài nên thai phụ cần được bổ sung thêm Vitamin D, một loại viamin cần thiết cho sự hình thành hệ xương của thai nhi.

Chăm sóc về tinh thần

Trong điều kiện cách ly, nhất là cách ly xa gia đình, thai phụ rất dễ bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, chăm sóc tinh thần đối với thai phụ trong hoàn cảnh này là rất quan trọng. Chị em hãy giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình, người thân, bạn bè. chủ động giải tỏa mối lo lắng hay buồn chán bằng cách chia sẻ với người khác. Công nghệ thông tin ngày nay cho phép chúng ta kết nối dễ dàng với người thân, bạn bè và cộng đồng thông qua các ứng dụng trực tuyến như zalo, face time, face book, ngay cả khi bạn đang ở trong những hoàn cảnh đặc biệt. Đọc sách, nghe nhạc, làm việc online, viết nhật ký… đều là những hoạt động giúp tinh thần bạn không rơi vào trạng thái tiêu cực.

Bà bầu phải đi cách ly cần làm gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé? - Ảnh 1.

Thường xuyên liên lạc với người thân để tránh sa sút tâm trạng

Tự theo dõi sức khỏe

Việc khám thai định kỳ có thể bị gián đoạn trong thời gian cách ly, do vậy thai phụ cần tự theo dõi để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời báo cho nhân viên y tế. Dưới đây là một số dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ:

Đau bụng:  Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần (kèm theo ra máu âm đạo hoặc không), thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.

Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sảy thai, sảy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Ra máu, ra nước: Ra máu, ra nước âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài dạ con, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, rau tiền đạo, rau bong non, rỉ ối... Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu, ra nước và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.

Đau đầu, nhìn mờ: Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, thai phụ cần được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.

* Tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm