pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bảo đảm quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ như lời Bác dạy trong Di chúc
Đại biểu nữ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – tháng 1/2021.
Đảng, Chính phủ cần quan tâm, bản thân phụ nữ phải cố gắng
Cách đây gần 60 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra hết sức ác liệt nhưng đã đạt được những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn khỏe và minh mẫn, Người đã bắt đầu viết Di chúc.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác Hồ lúc đó, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ Hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo, ngày 11, 12, 13/5/1965, cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại…
Những năm sau đó, cứ đến dịp sinh nhật Bác, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt là qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.
Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm một trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 2/9/1969).
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng ta, dân tộc ta và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bản Di chúc thiêng liêng này, Bác đã dành những tình cảm đặc biệt với phụ nữ Việt Nam: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".
Những lời tâm huyết của Bác Hồ trước lúc đi xa chính là sự đúc kết ngắn gọn của sự trăn trở suốt cả cuộc đời của Người về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng cho mỗi dân tộc, mỗi con người và quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ.
Những chỉ số cho thấy bước tiến về bình đẳng giới của Việt Nam
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và bảo đảm quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ, trong suốt 55 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người trong công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 12/7/1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ - TW về "Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới".
Ngày 29/11/2006 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Khoản 3 Điều 5 của Luật này quy định: "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó".
Ngày 21/11/2007 Quốc hội khóa XII thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.
Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới".
Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ có học vị cao và thành tựu khoa học trong nhiều ngành không hề thua kém nam giới cả về số lượng và mức độ cống hiến cho xã hội. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hiện Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Trong đội ngũ lãnh đạo hệ thống chính trị, nhiệm kỳ này, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở cấp cơ sở đạt 21%, tăng 2%; cấp trên cơ sở đạt 17%, tăng 2%; cấp trực thuộc Trung ương, đạt 16%, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp này.
Những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam về bình đẳng giới được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ. Năm 2023, với những chỉ số tiến bộ đáng kể, Việt Nam được xếp hạng 72/146 quốc gia trên thế giới về bình đẳng giới, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.
Từ tháng 01/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này. Đó là bằng chứng không thể phủ nhận về thành tựu bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quan niệm bất bình đẳng, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại trong xã hội dưới nhiều hình thức. Để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ còn hạn chế.
Tỷ lệ thất nghiệp trong nữ giới có xu hướng cao dần lên trong cả khu vực công và tư; tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ vẫn còn cao; tình trạng thất học, bỏ học của các cháu gái ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá phổ biến…
Để tiếp tục thực hiện nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ, trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trên lĩnh vực xã hội và bình đẳng giới; sự nỗ lực của toàn dân và của phụ nữ nói riêng.