pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bến Tre: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ Bến Tre phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: CTV
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, chế biến, đặc biệt đưa công nghệ 4.0 vào quản lý và kinh doanh để phụ nữ tiếp cận áp dụng phát triển.
Trong đó, phối hợp tổ chức 16 lớp dạy nghề cho hơn 480 lao động nữ nông thôn. Trang bị kỹ năng, khả năng định hướng phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho 315 cán bộ, hội viên phụ nữ trực tiếp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Để góp phần kéo giảm rác thải nhựa, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phát động sử dụng túi nilon tự hủy sinh học thân thiện môi trường; vận động chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay cho sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Bên cạnh đó, nhiều dự án, mô hình triển khai được hội viên phụ nữ ủng hộ và đạt được hiệu quả cao. Cụ thể như dự án "Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh" đã trang bị 30 cái cân rác cho 10 xã thuộc dự án; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên, phụ nữ về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường tại 6 xã thuộc 4 huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri.
Bên cạnh đó, tổ chức 20 lớp tập huấn về kiến thức cơ bản quá trình ủ rác thành phân hữu cơ hiệu quả sử dụng thùng ủ phân compost và trang bị 650 thùng ủ phân compost cho 600 hộ dân vùng dự án, 10 điểm trường và 4 điểm chợ. Tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn từ nguồn phân hữu cơ cho 10 xã vùng dự án cho 350 người với tổng kinh phí 441 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre cho biết, song song với việc thực hiện các phong trào, chương trình khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, Hội LHPN các cấp trong tỉnh cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến nền kinh tế xanh, sạch, an toàn. Bởi hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường từ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đáng báo động, được toàn cầu quan tâm, tham gia ứng phó.
Theo bà Thoa, các cấp Hội Phụ nữ cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng thực hiện sản xuất, kinh doanh an toàn, phát triển kinh tế đảm bảo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các nguyên tắc giảm thiểu rác thải, nước thải trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến.
Bên cạnh đó, các nữ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên cạnh phát triển kinh tế cần có trách nhiệm với môi trường, chung tay vì một nền kinh tế xanh. Những hoạt động này giúp phụ nữ các địa phương có những đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.