18 triệu lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm
Chị Bùi Huyền My, quê Nam Định, thuộc Công ty cổ phần phát triển dịch vụ nhà sạch HMC, cho biết, chị đã gắn bó với nghề giúp việc gia đình hơn 10 năm. Trước đây, sau khi đi xuất khẩu lao động về, chị làm công việc vẫn được gọi là “Osin”, giúp việc nhà tại Hà Nội.
Rất nhiều năm, chị làm việc cho chủ nhà theo diện tự do mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Các vấn đề như lương, thời giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, các loại công việc phải làm, chế độ ốm đau… đều là “thỏa thuận miệng” giữa chủ nhà và người lao động. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí cãi vã to tiếng mà không có cơ sở nào để phân xử.
Chị My cho biết thêm: “Người lao động di cư như chúng tôi thường không tìm hiểu hết về pháp luật lao động; nếu có tìm hiểu thì cũng không thấy bóng dáng của người lao động di cư, lao động phi chính thức ở trong đó”. Chỉ khi đi làm ở công ty, có hợp đồng lao động, thì chị mới cảm nhận được là “có pháp luật bảo vệ” khi định rõ được quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động.
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó bổ sung các quy định nhằm mở rộng diện bao phủ của bộ luật về tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động... trong khu vực phi chính thức.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng – GFCD, cho biết: dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh đến các nhóm lao động di cư, khu vực phi chính thức thì sẽ là một trong những bước tiến rất lớn trong việc đảm bảo quyền của người lao động.
Qua thực tế, có thể thấy rõ ràng rằng, nền kinh tế đất nước không chỉ có sự đóng góp của lực lượng lao động khu vực chính thức, có quan hệ lao động mà còn có sự đóng góp rất lớn của khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động. Theo bà Ngọc Anh, nhiều năm qua, lao động khu vực phi chính thức vẫn chưa được chú ý đúng mức xuyên suốt qua nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi Bộ luật Lao động.
“Chúng tôi mong muốn trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này đưa vào và có những điều quy định riêng cho lao động khu vực phi chính thức, đảm bảo quyền và việc làm bền vững cũng như các quy định về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi, ký kết hợp đồng lao động cũng như việc tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức”, bà Ngọc Anh nói.
Riêng với lao động giúp việc gia đình, tại Chương XI, mục 5, đã có 5 điều (từ điều 179 đến điều 183 Bộ luật Lao động năm 2012) quy định rất rõ những việc phải thực hiện để đảm bảo quyền cho lao động giúp việc gia đình. Đặc biệt là điều 180 quy định về hợp đồng lao động. Sau đó, Chính phủ đã có một nghị định riêng hướng dẫn thực hiện 5 điều liên quan tới người lao động giúp việc gia đình. Tiếp đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có thông tư 19 hướng dẫn chi tiết về việc ký kết hợp đồng lao động.
Mặc dù khung pháp lý đã có, nhưng việc thực hiện các điều nói trên trong thực tế vẫn là khoảng trống rất lớn và còn rất nhiều thách thức với cơ quan quản lý nhà nước, với người sử dụng lao động cũng như người lao động. “Các quy định nói trên vẫn chưa đi vào cuộc sống, bởi chúng ta mới chỉ đưa ra những quy định, còn việc thực thi các quy định như thế nào thì chưa được quan tâm, giám sát”, bà Ngọc Anh nói.
Điều chỉnh đối tượng có “Hợp đồng lao động 1 tháng trở lên”
Liên quan đến lao động khu vực phi chính thức, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng: trong Bộ luật Lao động hiện hành đã có quy định điều chỉnh với lao động khu vực phi chính thức, như lao động giúp việc gia đình. Dù vậy, thực tế vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức mà chỉ mới tập trung vào điều chỉnh ở khu vực kết cấu – có quan hệ lao động. Trong khi đó, nước ta có hàng chục triệu hộ gia đình sử dụng lao động, nhưng lại không có hợp đồng lao động nên không kiểm soát được.
Theo ông Nhưỡng, bài toán đặt ra là về quản lý nhà nước cần chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm quyền lợi cho cả 2 bên người lao động và chủ sử dụng lao động ở khu vực phi kết cấu. Đặc biệt là khu vực này thường dùng hình thức “thỏa thuận miệng” để thực hiện công việc, rất dễ bị vi phạm, thay đổi, thậm chí dẫn tới những tranh chấp phát sinh.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không nên áp dụng máy móc những quy định của khu vực lao động có kết cấu vào khu vực phi kết cấu, mà cần phải nghiên cứu để đưa ra cách quản lý phù hợp.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị nên nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đối với nhóm lao động phi chính thức. “Ở đây, chúng tôi không phân biệt phi chính thức hay chính thức. Quan điểm của ban soạn thảo trong Bộ luật này là phạm vi điều chỉnh càng mở rộng được bao nhiêu trong quan hệ lao động thì càng tốt bấy nhiêu”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Qua đó, Ban soạn thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi theo hướng “đối với đối tượng hợp đồng lao động 1 tháng trở lên”. Theo đó, có 3 dấu hiệu để xác định có quan hệ lao động là: Được trả lương, có người quản lý và có việc.
Theo Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 18 triệu lao động đang làm các công việc phi chính thức, chiếm 57,2% trong tổng số lao động phi nông nghiệp và chiếm 3/4 tổng việc làm trong nền kinh tế. Lao động phi chính thức thường làm công việc không có hợp đồng lao động nên dễ bị bóc lột sức lao động, không được đóng BHXH, BHYT cũng như không được hưởng mức lương cố định. Họ làm việc trong môi trường không tuân thủ theo một quy định nào, nên làm bất kể giờ giấc, ngày đêm, không được bảo hộ, dễ xảy ra rủi ro, tai nạn… |