Cà Mau: Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Thanh Huyền - Ảnh: Anh Duy
08/11/2022 - 09:11
Cà Mau: Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Hội LHPN tỉnh Cà Mau triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình

Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình hỗ trợ sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế.

Phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có dân số hơn 1,2 triệu người, trong đó phụ nữ chiếm 49,35%; phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 2,68%. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn Cà Mau cũng đang ngày càng nghiêm trọng và đã tác động đến tất cả đời sống người dân tỉnh Cà Mau, nhất là công việc mưu sinh của người dân nghèo khu vực nông thôn, khu vực trũng thấp, ven biển; trong đó nhóm dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ, người già và trẻ em.

Từ thực trạng trên, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã tích cực khai thác từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mang lại hiệu quả thiết thực.

Cà Mau: Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số gắn với thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Các ngành nghề gắn với thế mạnh nuôi trồng thủy sản được phát huy

Theo đó, để triển khai các mô hình đạt hiệu quả và phù hợp điều kiện tự nhiên, đối tượng, Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng mô hình sinh kế… Đến nay, có hơn 20.000 hộ được hỗ trợ từ các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dưới tán rừng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi cua, sò, vọp… giúp hội viên phụ nữ, người dân sở tại cùng tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đời sống kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển.

Mô hình nuôi dê, gà, vịt, chim chỉ bằng đệm lót sinh học, nuôi cá nước lợ, mô hình tôm lúa, tôm càng xanh… cũng đạt hiệu quả. Kết quả đánh giá cho thấy 97% hộ thành công có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/mô hình/vụ. Sau khi thu hoạch có 90% hộ tiếp tục thực hiện mô hình sinh kế từ vốn ban đầu được hỗ trợ. Qua mô hình đã góp phần giúp các hộ gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng có thêm thu nhập.

Cà Mau: Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số gắn với thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ngành nghề thủ công mỹ nghệ được hội viên, phụ nữ gìn giữ và phát triển

Ngoài thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, người phụ nữ cũng đã cùng với gia đình phát huy tinh thần thi đua trong lao động, sản xuất; nhiều mô hình mới nổi bật từ đặc sản địa phương như: ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm từ cá phi, làm mắm cá đồng, muối ba khía, dừa bồn bồn… phát huy được hiệu quả. Qua đó, đã giúp chị em đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát triển các ngành nghề, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, có việc làm thu nhập ổn định.

Nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả

Hội LHPN tỉnh Cà Mau cũng đã rất nỗ lực trong khai thác trên 70 tỷ đồng từ các chương trình, dự án và đã triển khai thực hiện 8 dự án ở trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, còn 2 dự án đang hoạt động, chủ yếu triển khai nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, tạo lập môi trường học tập an toàn trong trường học, tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trrường.

Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các cơ sở Hội cũng tích cực giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của hội viên, phụ nữ trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và các khâu phân phối trung gian, đạt được hiệu quả, lợi nhuận tốt hơn.

Cà Mau: Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số gắn với thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Hội viên, phụ nữ gắn bó với nghề đan mê bồ

Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau, cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung vào các giải pháp nhằm nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Trong đó, tập trung hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng còn nhiều khó khăn. Hàng năm, mỗi chi hội nhận giúp 1 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thông qua các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu đã phát huy hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tích cực khai thác các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế; các chương trình, dự án do Hội ký kết với các tổ chức phi Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ.

Từ những mô hình sinh kế, Hội LHPN tỉnh Cà Mau đã duy trì và thành lập mới 2 hợp tác xã với 29 thành viên, 6 tổ hợp tác với 57 thành viên; nâng tổng số toàn tỉnh có 13 hợp tác xã với 167 thành viên, 134 tổ hợp tác với hơn 1.500 thành viên đang hoạt động hiệu quả và mang lại kinh tế ổn định cho 1.720 phụ nữ ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn (thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng).
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm