Cần quan tâm hỗ trợ 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật

Ngự Bình
24/07/2020 - 15:36
Cần quan tâm hỗ trợ 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật
Hiện cả nước có 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật (PNKT). Họ gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp 3 lần so với nam giới khuyết tật. Đây là đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm đảm bảo các quyền con người cơ bản.

Ngày 24/7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Thực trạng chính sách và các chương trình trợ giúp phụ nữ khuyết tật" do Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, tổ chức Oxfam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cần quan tâm hỗ trợ 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật  - Ảnh 1.

Từ trái sang: Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hồi - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội và bà Phạm Thị Thu Hương - Quản lý chương trình bình đẳng giới - Oxfam

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện có tổng số 6,2 triệu người khuyết tật. Chính phủ đã hết sức quan tâm đến người khuyết tật, đã có nhiều chính sách, nhiều chương trình đề hỗ trợ cho người khuyết tật. 

Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 20.000 lượt người khuyết tật được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 2012-2030, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho 1.320 hộ gia đình có người khuyết tật tại 25 tỉnh, thành phố. 

Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho PNKT còn có những "khoảng trống" về chương trình hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng… và gặp khó khăn trong huy động nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật. Chỉ có dưới 10% so người khuyết tật, PNKT được tham gia các chương trình phục hồi chức năng.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình Xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết, hiện có 3,5 triệu PNKT. Hội LHPN Việt Nam với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có các đối tượng phụ nữ yếu thế. Hội đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, đề án, phê duyệt các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế. 

Từ năm 2013 đến 2020, TW Hội chỉ đạo thành lập 33 mô hình, trong đó có nhiều mô hình hiệu quả như PNKT tự lực; Địa chỉ tin cậy; Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; Nhà bình yên; Thành phố an toàn; Làng quê an toàn; Phụ nữ khởi nghiệp; Hỗ trợ sinh kế… Các mô hình góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp nhiều chị em nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại, tự tin hơn để hòa nhập cuộc sống.

Cần quan tâm hỗ trợ 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật  - Ảnh 2.

Phụ nữ khuyết tật được tặng xe lăn ở tỉnh Thái Bình

Từ năm 2008-2016, cuộc vận động xây dựng mái ấm tình thương của các cấp Hội phụ nữ trong cả nước đã quyên góp, thu nhận được số tiền 1.000  tỷ đồng, xây 35.695 mái ấm tình thương, sửa chữa 23.000 nhà cho PNKT, yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2017-2019, số tiền huy động 274 tỷ 713 triệu; xây dựng 9.426 nhà; sửa chữa 2.986 nhà.

Riêng ở Hà Nội, nhiều Hội phụ nữ cơ sở đã đứng ra tín chấp, giúp hội viên PNKT vay vốn từ Ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, Hội LHPN huyện Thạch Thất đang quản lý nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách gần 4 tỷ đồng để giúp hội viên PNKT vay phát triển kinh tế. Năm 2020, Hội LHPN huyện Ứng Hòa đã giúp 5 hội viên PNKT vay vốn thông qua kênh của Hội với số tiền 250 triệu đồng. Ngoài ra, Hội phụ nữ còn tích cực khai thác, phối hợp để bổ sung các nguồn vốn vay khác.

Cần quan tâm hỗ trợ 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật  - Ảnh 3.

Mạng lưới quốc gia hỗ trợ PN và trẻ em gái khuyết tật được xây dựng tháng 6/2020

Tháng 6/2020, mạng lưới quốc gia hỗ trợ PN và trẻ em gái khuyết tật đã được xây dựng để bảo vệ, đề cao tiếng nói của PN&TEGKT. 53/63 tỉnh/thành đã lựa chọn, giới thiệu 53 PNKT tiêu biểu tham gia mạng lưới.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đặt ra là 80% PNKT nhận được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau, giai đoạn 2026-2030 tỷ lệ này nâng là 100%. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về người khuyết tật. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển các tổ chức của người khuyết tật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm