pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện đặt tên biến thể phụ của Omicron
Mặc dù đến nay, theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế, biến thể phụ mới nổi của Omicron- BA.2.75 chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nguy cơ xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Dư luận trong nước cũng không tránh khỏi những lo lắng và hoang mang.
Vậy tại sao biến thể mới lại mang biệt danh có tính thiên văn (Nhân mã), chúng ta đã biết gì về biến thể phụ này, và nó có thực sự là nguyên nhân gây lo lắng không?
Nguồn gốc cách đặt tên biến chủng của SARS-CoV-2
Theo TS. BS. Lê Kiến Ngãi, Khoa Dự Phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Nhi Trung ương), trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào thời điểm đầu năm 2020, thế giới chỉ biết có một biến thể của virus SARS-CoV-2 kiểu hoang dã. Tại thời điểm đó không ai hình dung được đại dịch COVID-19 sẽ xảy ra những gì và virus SARS-CoV-2 sẽ biến chủng ra sao.
Thời gian sau đó, khi các nhà khoa học bắt đầu phát hiện ra các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, từ đặc điểm của biến thể mà các nhà khoa học quan tâm hoặc lo lắng, thậm chí quan ngại có thể có những hậu quả nghiêm trọng xảy ra, vì vậy ban đầu họ đặt biệt danh cho biến thể của SARS-CoV-2 theo những tính chất như vậy.
Các biến thể có biệt danh “Biến thể đáng quan tâm” (Variant of interest – VOI), “Biến thể đáng lo lắng” (Variant of concern – VOC), “Biến thể có hâụ quả nghiêm trọng” (Variant of High Consequence -VOHC)…đã xuất hiện. Có thời điểm các nhà khoa học đã đặt tên các biến thể của SARS-CoV-2 theo địa điểm lần đầu nó xuất hiện, như biến thể Kent (một hạt Đông Nam nước Anh), biến thể Nam Phi, biến thể Ấn Độ, biến thể Brazil…
Sang đến năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nỗ lực thay đổi cách đặt tên. Tên các biến thể của virus SARS-CoV-2 được đặt theo bảng chữ cái Hy Lạp. Theo đó, “Biến thể Kent” được đặt tên lại là “Biến thể Alpha”, “Biến thể Nam Phi” được gọi lại là “Biến thể Beta”, “Biến thể Ấn Độ” có tên mới là “Biến thể Delta”, “Biến thể Brazil” trở thành “Biến thể Gamma” …
Ngày 22/11/2021 tại một phòng xét nghiệm ở Botswana, Nam Phi một “hậu duệ” nữa của virus SARS-CoV-2, khác với các biến thể trước đó, lần đầu tiên được phát hiện và đặt tên là Omicron. Cho đến thời điểm hiện nay (tháng 7/2022), biến thể này đã thống trị ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới. Và trong những tháng gần đây các biến thể phụ của biến thể Omicron liên tục xuất hiện, gây lo ngại cho cộng đồng thế giới.
Một trong số đó, được giới chuyên môn đặt tên là BA.2.75. Trên mạng xã hội biến thể BA.2.75 được đặt biệt danh là Centaurus (Nhân Mã). Việc đặt tên này làm cho nhiều người nghĩ rằng có thể một biến thể mới giống như Alpha, Beta, Delta có thể đã xuất hiện và lo lắng.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, biến thể phụ này lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 5/2022 và được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể phụ Omicron khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa chỉ định BA.2.75 là một biến thể đáng quan tâm theo đúng nghĩa của nó.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa chỉ định BA.2.75 là biến thể phụ đáng quan tâm theo đúng nghĩa của nó.
Mặt khác, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã chỉ định BA.2.75 là một “biến thể đang được theo dõi” vào ngày 7/7 vì nó được phát hiện ở các nước Châu Âu bao gồm cả Vương quốc Anh và Đức.
TS. BS. Lê Kiến Ngãi trích dẫn lời tiến sĩ Spyros Lytras, Trung tâm Nghiên cứu Virus, Đại học Glasgow, nói với Medical News Today: “Tôi đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của WHO về việc không vội chỉ định đặt tên bất kỳ biến thể phụ mới nào của biến chủng Omicron là ‘Biến thể đáng quan tâm’”.
Theo vị chuyên gia này, sự xuất hiện của Omicron là sự kiện quan trọng trong quá trình tiến hóa của virus cũng như sự diễn biến của đại dịch. Việc đặt tên cho mọi biến thể phụ của Omicron bằng một chữ cái mới trong tiếng Hy Lạp sẽ gây ra những suy nghĩ sai lệch về Omicron ở thời điểm hiện tại.
BA.2.75 xuất hiện tại 7 quốc gia
Tính đến ngày 4/7, Ấn Độ ghi nhận ít nhất 46 ca mắc BA.2.75, theo dữ liệu mã nguồn mở Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu tất cả bệnh cúm. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Y tế Ấn Độ đều chưa chính thức xác nhận sự hiện diện của BA.2.75 ở nước này.
Firstpost dẫn lời một nhà khoa học chuyên về gene của Ấn Độ cho biết BA.2.75 có hơn 80 đột biến, BA.2 có khoảng 60 đột biến. BA.2.75 có nhiều đột biến mới trên gai protein, trong đó có hai đột biến đáng chú ý là G446S và R493Q, cho phép biến thể này có khả năng lẩn tránh nhiều kháng thể và dễ xâm nhập vào tế bào.
Điều này có nghĩa là BA.2.75 dễ lây nhiễm cho người từng là F0 cũng như đã tiêm chủng hơn.
Phòng thí nghiệm Bloom tại Viện nghiên cứu Fred Hutch (Mỹ) cũng nói cần theo dõi sát BA.2.75. Theo Bloom, BA.2.75 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tương tự các biến thể BA.4 và BA.5 với các vắc xin đang dùng hiện nay.
Trong khi đó, theo báo Guardian, ước tính BA.4 và BA.5 dễ lây nhiễm hơn BA.2 khoảng 36%, có khả năng lẩn tránh miễn dịch có được nhờ tiêm các vắc xin hiện nay, song chưa có bằng chứng cho thấy gây bệnh nặng hơn.
Những dòng phụ thế hệ thứ hai chỉ được phát hiện một vài ca trong một khu vực nào đó. Đây là lần đầu tiên một dòng phụ thế hệ thứ hai có nguồn gốc từ Omicron lan rộng ra nhiều khu vực.
Ngoài Ấn Độ, dòng phụ BA.2.75 cũng được báo cáo tại các nước khác là Nhật Bản (1 ca), Đức (2 ca), Vương quốc Anh (6 ca), Canada (2 ca), Mỹ (2 ca), Úc (1 ca), và New Zealand (2 ca).