"Dắt tay" đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình cùng thoát nghèo

Nguyễn Đông Phong
30/11/2023 - 14:01
"Dắt tay" đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình cùng thoát nghèo

Mô hình chăn nuôi bò của ông Lường Văn Sương giúp tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Lường Văn Sương với mô hình chăn nuôi của mình còn giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

"Triệu phú Đồng Chum"

Đồng Chum là một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) khi nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình gần 70km. Trên địa bàn xã phần lớn là người đồng bào dân tộc Tày, điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, trình độ dân trí còn thấp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Tuy nhiên, ở Đồng Chum, vài năm trở lại đây, không thiếu những tấm gương vươn lên phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số ở địa phương và giúp họ vươn lên thoát nghèo. Ông Lường Văn Sương (51 tuổi, dân tộc Tày, trú tại xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum) là một trong những người như vậy. Ở xóm nghèo Nà Lốc, ông Sương vẫn được người dân gọi bằng cái tên thân mật là "triệu phú Đồng Chum".

Ông Sương sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Cũng như bao hộ gia đình đồng bào dân tộc Tày khác ở địa phương, trước đây, gia đình ông Sương cũng luôn bị cái nghèo, cái đói, đeo bám quanh năm. Tuy nhiên, thay vì chấp nhận và gắn bó với cái nghèo, ông Sương lại nung nấu quyết tâm thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói.

Sau nhiều năm bôn ba, làm đủ thứ nghề ở các tỉnh thành, ông Sương quyết định quay về để lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương của mình. Kế hoạch khởi nghiệp của ông Sương khi ấy chỉ với 1 con bò.

"Dắt tay" đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình cùng thoát nghèo- Ảnh 1.

Việc duy trì trang trại chăn nuôi bò giúp gia đình ông Sương có nguồn thu nhập ổn định, bền vững.

Đến năm 2012, thấy bò sinh trưởng, phát triển tốt và học hỏi thêm được nhiều kiến thức chăm sóc nên ông Sương mạnh dạn vay vốn mua thêm 6 con bò sinh sản để phát triển kinh tế, nuôi theo hình thức bán chăn thả, vỗ béo. Để có nguồn thức ăn phục vụ việc chăn nuôi, ông Sương chuyển đổi nương ngô rộng vài ha của gia đình trồng cỏ voi.

Quá trình khởi nghiệp với việc chăn nuôi, ông Sương trải qua nhiều phen vật lộn với dịch bệnh và cái rét ở vùng cao Tây Bắc, khiến đàn bò hao hụt. Nhưng nhờ ham học hỏi, tham khảo kiến thức chăn nuôi gia súc ở các tỉnh dưới xuôi, nhất là mô hình nuôi bò vỗ béo, ông đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Từ đó áp dụng vào chăm sóc đàn bò nên số lượng không ngừng tăng lên.

Nhận thấy nuôi bò có giá trị kinh tế cao, tiềm năng phát triển lớn, ông Sương đã vay vốn ngân hàng cùng bạn bè, người thân, nhân rộng quy mô nuôi bò. Sau đó, đầu tư xây dựng chuồng trại rộng khoảng 2.000 m2 để làm nơi nuôi nhốt hơn 100 con bò. Ngoài ra, ông Sương còn đầu tư xây dựng hàng rào B40 bao quanh khu đồi của mình nuôi bò theo hình thức bán chăn thả.

Thấy đàn bò phát triển nhưng lại hay bị bệnh, gầy yếu, ông Sương nảy ra ý tưởng mua 1 con bò 3B đực với giá 42 triệu đồng về tiến hành lai với giống bò vàng địa phương để có con giống chất lượng. Mỗi năm, đàn bò của ông sinh được hàng chục con bò 3B lai, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Đến nay, đàn bò của ông Sương luôn được duy trì hơn 100 con, phát triển ổn định, cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bên cạnh việc làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò của mình, ông Sương còn tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng và tạo thu nhập cho hàng chục lao động thời vụ tại địa phương.

Gia đình bà Xa Thị Mai (46 tuổi, dân tộc Tày, trú tại xã Đồng Chum) vài năm trước được xếp vào diện hộ nghèo của địa phương. Cả năm quanh quẩn với việc trồng ngô, trồng sắn trên nương rẫy khiến kinh tế gia đình bà Mai không khá khẩm lên. Trong khi đó, 2 người con của bà cũng không được học hành đầy đủ phải đi làm ăn xa nhà từ sớm.

Năm 2020, bà Mai được nhận vào làm tại trang trại của ông Sương. Từ đây, gia đình bà Mai mới có cơ hội vươn lên để thoát nghèo. "Công việc chủ yếu của tôi tại trang trại là chế biến cỏ voi để làm thức ăn cho bò, dọn dẹp chuồng trại", bà Mai chia sẻ.

Với nguồn thu nhập ổn định hàng năm khoảng 80 triệu đồng, gia đình bà Mai đã có cuộc sống ổn định hơn. Bà mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết để phục vụ nhu cầu của các thành viên trong gia đình.

"Dắt tay" đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình cùng thoát nghèo- Ảnh 2.

Không chỉ làm giàu, ông Sương còn giúp tạo sinh kế công ăn việc làm, sinh kế cho nhiều đồng bào dân tộc Tày và Mường ở địa phương.

Cũng giống như gia đình bà Mai, hộ gia đình bà Đinh Thị Liêng (44 tuổi, dân tộc Mường, trú tại xóm Hà, xã Đồng Chum) cũng là một trong những trường hợp vươn lên thoát nghèo thành công. Bà Liêng phấn khởi chia sẻ: "Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, làm ruộng, trồng ngô, mãi không thể thoát khỏi đói nghèo. May mắn được ông Sương hỗ trợ cho con giống để nuôi bò, hướng dẫn cách chăm sóc. Năm 2022, tôi xây được nhà mới rộng 100m2, trị giá gần 300 triệu đồng".

Đi lên từ nghèo khó, ông Sương thấu hiểu hơn ai hết về những khó khăn trong việc phát triển kinh tế của người dân ở vùng đất Đồng Chum. Nếu chỉ trông chờ thu nhập từ cây ngô, cây lúa thì bà con chỉ đủ ăn, kinh tế không thể khấm khá, phát triển.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông Sương bắt đầu triển khai mô hình "bò nuôi rẽ" tại địa phương. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ông Sương cho nhận nuôi 2 con bò mẹ. Sau khi bò mẹ sinh sản, lợi nhuận thu được chia đều cho 2 bên là 50/50. Các hộ dân sẽ tiếp tục được nuôi 2 bò mẹ cho đến khi đủ điều kiện kinh tế mới phải trả lại. Nhờ đó, nhiều hộ trong xã đã nhân đàn bò lên tới 10 - 20 con, cho thu nhập ổn định hằng năm.

Lãnh đạo xã Đồng Chum chia sẻ, ở địa phương, ông Sương là người có uy tín, tích cực hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nên ai nấy đều quý mến, tin tưởng. Không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều gia đình trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Ông Sương là hình mẫu trong việc khởi nghiệp, làm giàu ngay chính tại quê hương, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Những người như ông đã góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm