pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy lùi tảo hôn ở bản vùng cao
Người dân thôn Trung Hồ gữ sạch đường làng ngõ xóm
Thay đổi nhận thức
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, mà nhận thức của người dân trong thôn Trung Hồ (xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã thay đổi. Đặc biệt là trong vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chị Lý Thị Súng (thôn Trung Hồ) cho biết, nhờ sự tuyên truyền của các cấp chính quyền, chị hiểu thế nào là tảo hôn, những nguy cơ gặp phải nếu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vì thế, chị cương quyết không cho con gái mình lấy chồng sớm.
"Ngày trước nhà mình nghèo, không được đi học đầy đủ, bố mẹ bắt lấy chồng sớm, sinh con sớm, lao động vất vả lắm. Bây giờ thì mình có điều kiện hơn nên sẽ cho con đi học, có được cái nghề kiếm sống thì càng tốt nếu không thì về làm nương, làm ruộng với bố mẹ. Nếu các con muốn lấy vợ, lấy chồng thì phải đủ tuổi mình mới đồng ý", chị Súng chia sẻ.
Không chỉ chị Súng mà nhiều chị em khác trong bản Trung Hồ ngày nay đã thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm. Cũng chính những thay đổi ấy đã làm nên một Trung Hồ không có tảo hôn trong 02 năm trở lại đây. Đẩy lùi được tảo hôn cũng có nghĩa là cái đòi, cái nghèo, cái lạc hậu đang dần lùi xa, người Mông ở Trung Hồ đã biết phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp, tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng rừng, giữ rừng, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn, hạnh phúc hơn.
Ông Lý A Khoa (70 tuổi), người có uy tín của thôn Trung Hồ cho hay, từ ngày còn trẻ, ông đã được học để làm chủ hôn trong các đám cưới của người Mông. Từ khi được cán bộ đến hướng dẫn, tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình, bản thân ông nhận thức rõ nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi mà tổ chức đám cưới thì là vi phạm pháp luật. Vì vậy, ông không bao giờ làm chủ hôn cho những đám cưới ấy. Ông cũng khuyên các cháu trong thôn, trong bản nên đi học để trưởng thành, để làm người có ích.
Đời sống được nâng cao
Thôn Trung Hồ (xã Trung Lèng Hồ) hiện có 57 hộ, chủ yếu là dân tộc Mông. Theo anh Sùng A Chúng, Bí thư chi bộ thôn Trung Hồ, người dân trong thôn sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu. Ngoài việc trồng cấy 65ha các loại cây lương thực như cây lúa, cây ngô, hàng năm người dân trong thôn có thêm thu nhập từ việc tham gia tuần tra bảo vệ trên 1.350ha rừng thuộc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Theo đó, người dân được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Cũng theo anh Sùng A Chúng, trước đây người Mông ở bản này vẫn còn tình trạng tảo hôn. Họ vẫn cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động. Và vì ít học nên cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng mãi. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất được ứng dụng.
Theo đó, những giống lúa, giống ngô mới cho năng suất, chất lượng được đưa vào trồng thay thế; giống lợn đen bản địa lại được giá, mùa nào thức ấy... nên cuộc sống của bà con đã từng bước được cải thiện, trẻ em được đến trường, người già được chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực, không còn bắt con mình phải lấy vợ, lấy chồng sớm. Thôn đã được Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ lựa chọn để duy trì và phát huy hiệu quả mô hình dân vận khéo "Thôn không có tảo hôn".
Theo các chuyên gia, kết hôn cận huyết thống được hiểu đơn giản là việc kết hôn giữa hai người cận huyết thống với nhau. Còn theo giải thích của y học, hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ.
GS.BS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết, kết hôn cận huyết thống được hiểu đơn giản là việc kết hôn giữa hai người cận huyết thống với nhau. Còn theo giải thích của y học, hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Nghiêm trọng nhất đối với trường hợp sinh con cận huyết có thể kể đến bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nhiều trẻ em mắc bệnh này thường có đời sống rất ngắn ngủi hoặc phải thường xuyên truyền máu để điều trị. Điều đáng ngại là có trẻ phát hiện bệnh ngay sau khi sinh, nhưng cũng có trẻ biểu hiện khi 1-2 tuổi hoặc chỉ đến khi xét nghiệm gene mới biết.
Ngoài ra, các bệnh dễ mắc phải khi bố mẹ cận huyết như mù màu, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD… Do đó, cách tốt nhất để hạn chế các nguy cơ trên là người dân không nên kết hôn cận huyết thống.