pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành
Trao đổi với Báo PNVN xung quanh những vụ án này, Luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An, thành viên Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nêu quan điểm:
Như chúng ta biết, trẻ em là đối tượng chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất và nhận thức nên rất cần sự chăm sóc, bảo vệ của người lớn. Đặc biệt, người thân càng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho trẻ em phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, cũng chính vì sự lệ thuộc này mà có nhiều vụ án xâm hại đến tính mạng của trẻ em lại do chính những người có trách nhiệm chăm sóc là thủ phạm. Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho trẻ cần được quan tâm trong mọi hoàn cảnh và với bất kỳ đối tượng nào, kể cả đó là người thân trong gia đình.
+ Với vụ án cháu bé 4 tuổi bị bạo hành đến tử vong xảy ra ở quận Đống Đa (Hà Nội), thông tin điều tra ban đầu cho thấy, mẹ cháu bé là một trong những thủ phạm. Hành vi này phân tích dưới góc độ pháp lý đã vi phạm những qui định nào, thưa luật sư?
Luật sư Lê Văn Quý: Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, vào sáng 30/3/2020, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân là bé M. (4 tuổi, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) được đưa vào cấp cứu, trên người cháu bé có nhiều thương tích, có dấu hiệu bạo hành nên đã trình báo sự việc với cơ quan công an. Ngay sau khi tiếp nhận vụ việc và điều tra ban đầu, cơ quan điều tra quận Đống Đa đã bắt khẩn cấp 2 đối tượng là mẹ ruột và cha dượng của cháu M. Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận từ đầu tháng 3/2020, các đối tượng này thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu M. Đặc biệt, từ 8h đến 23h ngày 29/3, các đối tượng đã không cho cháu M. ăn uống và có 7 lần đánh cháu bằng chân tay và cán chổi. Hậu quả khiến cháu M. tử vong. Qua khám nghiệm sơ bộ, cơ quan điều tra xác định cháu M. tử vong do chấn thương sọ não với nhiều thương tích ở vùng đỉnh và thái dương, gãy răng, đùi tụ máu...
Dựa trên những thông tin ban đầu trên đây, hành vi của các đối tượng này đã đủ yếu tố cấu thành tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với các tình tiết tăng nặng định khung có thể được áp dụng phù hợp với kết quả điều tra của cơ quan điều tra được quy định tại khoản 1, Điều 123 như: Giết người dưới 16 tuổi (điểm b), giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng (điểm đ), Thực hiện tội phạm một cách man rợ (điểm i) hoặc vì động cơ đê hèn (điểm q)... Hình phạt nghiêm khắc cho hành vi này là mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ở vụ án này, mạng sống của cháu bé đã bị tước đoạt bởi chính mẹ đẻ và cha dượng, là những người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Trong khi, tại điều 2, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định: nghiêm cấm hành vi "Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng" đối với thành viên trong gia đình. Điều 60, điều 71 và điều 72 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Đặc biệt, hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 1, điều 6 Luật Trẻ em năm 2016.
+ Dư luận chưa hết bàng hoàng về cháu bé 4 tuổi bị bạo hành đến tử vong nêu trên thì gần như cùng lúc lại xảy ra vụ sát hại trẻ em ở Bắc Ninh. Người mẹ được cho đã sát hại con mình trong khi bản thân muốn tự tìm đến cái chết. Hành vi này không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Theo luật sư, về mặt sức khoẻ tâm thần và kỹ năng sống, cần làm gì để ngăn ngừa các vụ án nghiêm trọng tương tự?
Luật sư Lê Văn Quý: Điều đáng tiếc là không chỉ vụ sát hại trẻ em ở Bắc Ninh là vụ án đầu tiên xảy ra mà từng có nhiều vụ án tương tự bởi nhận thức sai lệch rằng "để con đỡ khổ". Ở góc độ pháp lý, để ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa các vụ án liên quan đến trẻ em bị xâm hại cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. Đồng thời, biện pháp giáo dục nâng cao kỹ năng phòng, chống bạo hành, xâm phạm trực tiếp cho đối tượng là trẻ em là điều cần thiết.
+ Bên cạnh đại đa số các bậc cha mẹ dành tình yêu thương vô bờ cho con cái thì thực tế vẫn có những đứa trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ mình. Điều này không chỉ vi phạm Luật trẻ em mà còn vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể được pháp luật bảo vệ?
Thời gian qua, với vai trò và chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, Hội LHPN Việt Nam đã có những động thái kịp thời, tích cực tới các cơ quan thẩm quyền nhằm phối hợp thực thi, giám sát quá trình điều tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với trẻ em trong các vụ việc xảy ra, điển hình là các vụ án đề cập trên.
Luật sư Lê Văn Quý
Luật sư Lê Văn Quý: Trẻ em là đối tượng cần bảo vệ đặc biệt. Do vậy, ngoài các chính sách giáo dục, y tế... trẻ em cần được bảo vệ bằng pháp luật trước tình trạng các vụ xâm hại, bạo hành thể chất, tinh thần trẻ em có xu hướng gia tăng. Với vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội theo chuẩn mực, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm trẻ em thì pháp luật là công cụ hiệu quả để bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.
Trên tinh thần đó, Hiến pháp 2013 đã quy định: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em" (Điều 23). Văn bản pháp lý điều chỉnh trực tiếp là Luật trẻ em năm 2016 với các quy định cụ thể về quyền của trẻ em, đã quy định các hành vi nghiêm cấm tại điều 6 như: nghiêm cấm hành vi tước đoạt quyền sống của trẻ em; nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em...
Song song với Luật trẻ em là các quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... đều đã xây dựng các chính sách đặc thù để bảo vệ trẻ em.
Để các chính sách pháp luật này được thực thi có hiệu quả thì cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là các cơ quan đoàn thể chuyên trách.
+ Xin cảm ơn luật sư Lê Văn Quý!