Gần 22 ngàn lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng

05/07/2018 - 14:41
Trong số hơn 60.806 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018 thì có 21.900 lao động nữ, chiếm 36%. Hiện cả nước có 335 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lao động.

Báo cáo kết quả công tác xuất khẩu lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết: Trong chỉ tiêu đưa 110 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 60.806 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 21.900 lao động nữ), đạt 55,1% kế hoạch năm 2018, bằng 106% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thị trường chính mà lao động Việt Nam hướng tới là: Đài Loan (Trung Quốc) với 30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên 213 nghìn lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng); Nhật Bản (hiện có 126 nghìn lao động), Hàn Quốc (38 nghìn lao động) với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng, Ả rập Xê út (9 nghìn lao động) mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng…

doan-mau-diep.JPG
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, trong 6 tháng có hơn 60 ngàn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong đó có gần 22 ngàn lao động nữ. Nguồn ảnh: Cổng thông tin Bộ LĐTB&XH

Đến nay, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14 doanh nghiệp Nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty TNHH; các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở Hà Nội (chiếm 60%), TP. Hồ Chí Minh (20%) và 20% tại các địa phương khác. Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã trình Bộ cấp mới 20 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện tại, Cục đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của gần 80 doanh nghiệp. Qua theo dõi, quy mô và trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, có một số doanh nghiệp đưa được trên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong 6 tháng, Cục đã phối hợp với Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, Bộ ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với tổng số tiền là 550 triệu đồng và thu hồi 01 giấy phép của một doanh nghiệp...

Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Doãn Mậu Diệp cho rằng: Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ song công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định như: Tỷ lệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn chưa giảm nhất là tại thị trường Hàn Quốc do phía bạn chưa có những biện pháp xử lý quyết liệt đối với những doanh nghiệp tiếp nhận lao động bỏ trốn.

 

tac-phong-lam-viec-cua-nguoi-dai-loan.jpg
Ảnh minh họa
 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, kết quả công tác xuất khẩu đạt khá tốt nhìn từ bức tranh tổng thể nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể xã hội vẫn chưa bằng lòng, còn bức xúc, chưa tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác này.

Ông Dung thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong lĩnh vực này như: Công tác quản lý Nhà nước chưa kịp điều chỉnh một số vấn đề mới phát sinh, thủ tục còn rườm rà, cải cách hành chính còn chậm. Tình trạng bôi trơn môi giới, thu lạm phí, lừa đảo trong xuất khẩu lao động còn nhiều, tỷ lệ bỏ trốn vi phạm pháp luật còn cao mà Hàn Quốc là điển hình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch việc cấp phép cho doanh nghiệp tiến tới cấp phép hoàn toàn trên mạng. Tăng cường việc kiểm định nhất trong đào tạo nghề, ngoại ngữ, kỹ năng của các doanh nghiệp đã được cấp phép nhất là những ngành nghề có tính chất đặc thù như điều dưỡng viên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm