pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gặp nhau bởi một ánh nhìn mùa mưa bão
Ảnh minh họa
Bãi cát dài miên man. Nắng đổ lửa. Bỏng rát. Triền cát thoai thoải, sóng vỗ nhẹ. Lũ trẻ đang nô đùa dưới bến. Tầm này không ai chui ra khỏi nhà, lũ nhóc vẫn cứ thoải mái nhặt ốc, trêu nhau vang một quãng. Thịnh ngồi trên bờ theo dõi. Lâu lâu tiếng anh lại ới ra xa: "Nè mấy đứa, cẩn thận nghe. Tắm ít thôi còn về, nắng quá ốm à nha. Tối còn tới lớp học nữa". Lũ trẻ dạ râm ran, anh nghe lòng mình rộn ràng.
Nhận nhiệm vụ ở chiến trường khu Đ, khi anh còn là chàng trai mười bảy. Sức vóc, dẻo dai, hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hồi đó, thanh niên làng như anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng, ôi, lòng rạo rực xiết bao. Anh thầm hứa sau chiến tranh anh sẽ trở về xây dựng ngôi nhà nhỏ, hằng ngày lên lớp cùng bầy em thơ. Nhưng... hiện thực bao giờ cũng khốc liệt và trần trụi.
Trở lại vùng quê sau 12 năm xa cách, anh thành người lính tàn phế. Mỗi khi trái gió trở trời, cơn đau hành hạ. Má bảo, nếu gặp được người nào thương, nhắm mắt mà lấy, rồi vợ chồng cùng nhau vun vén. Anh cười, nỗi đau dâng lên tận mắt. Anh cứ ậm ừ cho qua. Anh sợ nếu nói ra má càng đau lòng. Hồi đế quốc Mỹ thả những thùng phuy chất độc da cam xuống núi, ngay cạnh nơi đơn vị anh đóng quân, anh và một số đồng chí đã không thể mở mắt bởi cái thứ chất độc cay xè đó. Anh sợ nếu kết duyên với một người con gái, anh sẽ làm cuộc đời người ta khổ. Rồi còn sắp nhỏ ra đời, ai sẽ là người gánh vác mọi công việc?
Nghĩ đến đó thôi, lòng anh nghẹn lại. Ai chẳng có mưu cầu hạnh phúc. Dù lớn dù nhỏ. Hạnh phúc của anh bây giờ là được ở bên má, thấy má mạnh khỏe, không ốm không đau, được lên lớp mỗi tối để dạy cho lũ trẻ. Những đứa trẻ xóm biển nghèo rớt mùng tơi. Ngày nào chúng cũng xách bị cói đi lượm lặt trên biển. Lúc con ốc, con nghêu, lúc may mắn lượm được sợi dây của dân du lịch rồi bán kiếm sống.
Anh đã phải chống nạng, đi khắp những ngôi nhà lụp xụp ven biển này để vận động mấy đứa đi học. Ban đầu chúng e dè, sợ sệt. Có đứa hét toáng lên khi thấy đôi nạng gỗ và đôi chân tật nguyền của anh ngấp nghé ở cửa. Những đôi mắt sáng, trong veo, cứ nhìn anh đầy nghi hoặc. Ba mẹ chúng chối đây đẩy: "Đi học rồi ai kéo chài phụ, ai đi mót ốc, mót ngao, bán kiếm thêm tiền. Nhà nào cũng đông đúc, bốn năm đứa nhỏ. Kéo lớp đi học hết tụi tui nhịn đói à".
Anh dịu dàng phân bua: "Học kiếm cái chữ, sau này ra đời còn có kiến thức. Đi đâu cũng không sợ bị bắt nạt". Rồi mấy phụ huynh quay ra hỏi anh: "Ủa rồi chú là ai, từ đâu tới. Sao tự nhiên tốt với sắp nhỏ vậy?". Anh lại cười: "Bộ đội mà anh chị, ngày tui nhập ngũ sắp nhỏ chưa ra đời, thậm chí anh chị còn chưa kết hôn. Sau này tui về, thấy mấy thứ cũng đổi khác. Nhưng quê mình vẫn nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cái chữ làm hành trang cho lũ nhỏ vào đời".
Mấy phụ huynh nghe dần cũng thấm. Lũ trẻ được cắp sách tới lớp. Ngôi trường là mái lá tre nứa đơn sơ, anh em bà con thấy thương mà lợp nên. Đêm, dưới ánh đèn lờ mờ, tiếng trẻ con ê a. Anh từng ngày đều đặn vẫn chiếc nạng gỗ, bước tấp tểnh đến lớp. Một học sinh vắng, lòng anh không yên. Cuối buổi thể nào anh cũng rủ lũ nhóc đi tới nhà bạn hỏi thăm. Một thầy và lũ học trò, dắt díu nhau qua hai mùa mưa nắng. Lớp học trụ vững trên đồi cát trắng.
Má anh ngày càng yếu. Má hối anh lấy vợ. Anh nhớ những hôm nắng chói chang, má ngồi đan mấy cái quạt tre, cứ luôn miệng nhắc anh. Anh nào có muốn má buồn nhưng ngặt nỗi, đến cả người thương anh còn không có, lấy đâu ra vợ mà cưới cho má vui. Hồi trước, sắp nhỏ hay trêu anh với cô Tình xóm bên.
Cô người cao dong dỏng, nét duyên thầm. Khi thầy trò cắm cúi bên trang sách, cô hay qua mang cho tụi nhỏ nước uống, khi là mấy tập vở cũ còn giấy trắng làm nháp. Vào lớp, cô nhìn dáo dác, là để tìm anh. Cô gọi anh là thầy, xưng em. Mấy lần, anh thấy cô đi vội vàng về phía bãi sau làm gì một chốc rồi lại quay ra, quần áo lấm lem như vừa mới chui từ đất lên. Trông thật buồn cười.
Mấy đứa ghé tai bảo, cô Tình mất chồng lâu lắm rồi. Hồi cô í còn trẻ, lấy chồng chưa được năm thì chồng đi biển và mất tích từ đó. Cô ở vậy với mẹ và hai em. Rồi người ta cũng lập gia đình hết. Chỉ còn má với cô. Cho đến ngày má rời xa trần thế, cô vẫn một mình, đơn côi trong căn nhà trống trải. Anh nghe, lòng lại thương Tình đến lạ. Giá như cuộc đời đừng bắt ép người ta phải lựa chọn thế này, hoặc là thế kia, thì anh cũng cam tâm tìm hiểu Tình xem sao.
Từ ngày dạy học, anh được phụ huynh tới nhà thăm, lúc con gà, khi cân gạo, nồi khoai. Họ đưa hết cho má. Má nhận riết thấy ngại nhưng từ chối cũng không đặng. Anh vui nhất là lúc giải lao, tụi nhỏ xúm xụm bên anh, bắt anh kể chuyện chiến trường, về những trận đánh khốc liệt anh từng trải qua.
Vết thương ở chân, tại sao nó có và tại sao thầy không chữa được lành lặn. Những câu hỏi ngô nghê rót vào tai anh. Anh mơ hồ nghe tiếng súng đạn chiến trường. Mấy chục đứa nằm lại nơi ấy, không nấm mồ chôn, không nhang khói. Ngày anh được xe bệnh viện chở đi, trong cơn mê, chưa kịp chào đồng đội một câu.
Vài đứa mân mê cái chân anh, bảo chỗ này sao tự nhiên thịt nó cứ mềm mềm. Rồi chúng kéo anh ra biển, đẩy anh ngã sóng xoài dưới bãi cát. Thầy trò nô đùa nhau mệt nghỉ. Má thấy anh phấn chấn hơn. Không biết ai đồn thổi mà kêu anh qua dạm hỏi cô Tình. Anh nghe tới, mặt đỏ lựng. Má buồn rầu. Rồi má cũng qua đời.
Anh có làm thầy cả đời ở xóm nghèo này được không? Lũ trẻ sẽ lớn và đi muôn phương. Rồi mình phải chống chọi với cuộc sống hiện tại, không có má, em út thì ở xa. Liệu một mình anh sẽ sống sao những lúc trái gió trở trời. Chẳng nhẽ ôm chân ngồi rên rỉ suốt đêm dài? Từng lời má nói, cứa vào tim anh. Vết thương chiến tranh chưa lành, giờ nỗi đau ở lại chống chọi với thử thách của cuộc sống cũng làm anh đến khổ.
Ngày anh quyết định sang nhà cô Tình mưa dăng dăng đầy trước biển. Thằng Hân đi kéo cá, lùi lũi bước theo mà anh không hề biết. Nó là một đứa thông minh, lanh lợi, lại hiểu chuyện. Lúc nào nó cũng dè chừng, như thể sợ anh sẽ đi mất.
Tình đang cố với tay chống lại tấm liếp. Gió thổi phần phật. Anh quẳng chiếc gậy, quay xuống đỡ cho cô. Hai con người, hai số phận gặp nhau bởi một ánh nhìn mùa mưa bão, lòng chùng xuống, khát khao.
Có lẽ lâu lắm rồi anh giấu kín mọi cảm xúc, để khi chạm vào bàn tay gầy gò của Tình, anh thấy lòng mình ấm lại. Biển ì ào sóng. Thằng Hân từ đâu chạy tới, nó nhanh nhảu: "Thầy để con làm, cái này con làm được". Ba thân hình bé nhỏ oài mình trước cơn giận dữ của thiên nhiên. Nhưng trong lòng họ tự nhiên thấy niềm phơi phới ùa về. Đâu đó trên loa phát thanh cất lên lời ca:
"Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn
cát trắng quê tôi
Anh thương binh vẫn đến trường làng
vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương...".