Chính trị - Xã hội

Giáo dục gia đình: Giải pháp căn cơ trước tác động từ mặt trái cơ chế thị trường

27/10/2018 - 04:38 PM
Trong phiên thảo luận về thực hiện kinh tế - xã hội tại hội trường chiều nay, 27/10, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐQBH tỉnh Bắc Giang, nêu lên những tác động mặt trái của cơ chế thị trường khiến gia đình đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho vấn đề gia đình hiện nay.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Tôi đồng ý với các ý kiến phát biểu đánh giá về những thành tựu trong thời gian qua, đặc biệt là sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, sự nỗ lực vượt bậc, sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành và sự đồng lòng của nhân dân. Chúng ta đã vượt qua được một giai đoạn khó khăn, đã làm được những việc tưởng chừng như không thể.

chu-tich-nguyen-thi-thu-ha.jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, phát biểu trong phiên thảo luận chiều ngày 27/10/2018. Ảnh: TTXVN 

 

Đóng góp với phát triển kinh tế xã hội, tôi đề cập đến vấn đề gia đình trong kinh tế thị trường hiện nay.

Có thể thấy, bên cạnh những thành tựu trong công tác gia đình, tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến nhiều gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

- Một số gia đình định hướng giá trị bị sai lệch. Mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Không ít gia đình bỏ mặc con tự xoay xở trong điều kiện mạng xã hội phát triển, khó kiểm soát. Sự thiếu hụt kiến thức của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 25% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nhiều hội chứng tâm lý - xã hội nảy sinh như stress, trầm cảm, tự tử…; và năm 2018, số vụ và số đối tượng thanh thiếu niên phạm tội đều tăng khoảng 30%.

- Một số gia đình không còn là nơi an toàn, không còn là điểm tựa cho các thành viên, khi mà, tệ nạn xã hội đã hỏi thăm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn rất nhức nhối, tác động nghiêm trọng đến sự bền vững của gia đình và phát triển của trẻ. Khoảng 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân, quen; 77% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ đánh đập, ngược đãi, nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè...

- Dịch vụ hỗ trợ xây dựng gia đình, giúp việc gia đình, chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đáp ứng nhu cầu

- Thiếu các chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng gia đình đối với các loại hình gia đình, đối với một số đối tượng, vùng miền khó khăn. Đơn cử như đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn lên tới 27% (gấp khoảng 10 lần tỷ lệ chung cả nước), khoảng 20 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn rất cao, từ 40-72%. Có gần 500.000 trường hợp kết hôn cận huyết thống và có tới hơn 1/3 phụ nữ dân tộc thiểu số không đến các cơ sở y tế để sinh con.

Đó không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn là bài toán cho chất lượng dân số, chất lượng giống nòi trong tương lai.

Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, theo tôi, cần quan tâm một số giải pháp sau:

Thứ nhất,  giải pháp căn bản, quan trọng, gốc rễ là công tác giáo dục gia đình. Nâng cao năng lực tự chủ của từng gia đình. Xây dựng và thực hiện Chương trình giáo dục cha mẹ, giáo dục tiền hôn nhân.

Thứ hai, bên cạnh sự chủ động của mỗi gia đình, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước. Tập trung các hoạt động mang tính phòng ngừa, ứng phó với các vấn nạn xã hội. Nghiên cứu để gắn tổ chức bộ máy về công tác gia đình với công tác trẻ em cho phù hợp, hiệu quả.

Thứ ba, cần quan tâm đến những khác biệt của các loại hình gia đình;  các vùng miền, các dân tộc để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Đề nghị Chính phủ rà soát, sớm trình Quốc hội quyết định hoặc điều chỉnh phân bổ nguồn lực ngay từ năm 2019, tập trung hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Khi đó, sẽ góp phần giải quyết được một số vấn đề liên quan đến gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi mà tôi vừa nêu trên.

Thứ tư, xây dựng chính sách quản lý, khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình. Nhà nước cần đầu tư phát triển hệ thống giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu. Hiện còn khoảng 90 xã chưa có trường mầm non, tỷ lệ trẻ dưới 36 tháng tuổi đến lớp chỉ đạt 26%.

Tôi đặc biệt khuyến nghị phát triển hai mô hình đã khẳng định được hiệu quả. Đó là mô hình Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị mua bán trở về…  Nhiều chị, nhiều cháu trong số đó ở vào hoàn cảnh cùng cực, đáng thương và khủng khiếp hơn rất nhiều so với những nhân vật một số bộ phim truyền hình đang chiếu.

Mô hình Phòng tham vấn, tư vấn, trong đó có Phòng tư vấn học đường cũng cần được quan tâm nhân rộng vì nó góp phần rất quan trọng trong hỗ trợ giải quyết các vấn đề khủng hoảng cá nhân, góp phần ngăn chặn những hệ lụy, đặc biệt là đối với các em học sinh, sinh viên.

Thứ năm, muốn xây dựng gia đình phải quan tâm đến sự phát triển, tiến bộ của tất cả thành viên trong gia đình, nhưng trong đó cần đặc biệt đầu tư cho phụ nữ với vai trò là người mẹ, người thày đầu tiên của con người; và cho trẻ em – với vai trò là tương lai của gia đình, của đất nước.

Nhà triết học – nhà đại thi hào Tagore nói: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một phụ nữ thì được một gia đình".

Hội LHPN Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình, nhưng mà chúng tôi cũng thấy rất cần tiếp tục sự quan tâm của toàn xã hội cũng như của từng gia đình. Chúng tôi cho rằng, khi một người phụ nữ được đầu tư, được chuẩn bị đầy đủ hành trang kiến thức về kỹ năng, văn hóa, về thẩm mỹ, về đạo đức, về lối sống thì sẽ không có những trường hợp đau lòng như vừa rồi ở chung cư một người mẹ trẻ đã ném con của mình đi.

Kính thưa Quốc hội!

Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2018 cũng như nửa nhiệm kỳ vừa qua. Trong sự phát triển chung đó, nhất thiết phải ưu tiên đầu tư cho vấn đề gia đình - một trong những nền tảng quan trọng của phát triển bền vững!

Xin cảm ơn Quốc hội!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn