pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN Hà Giang hỗ trợ xóa mù tiếng phổ thông cho gần 15.000 phụ nữ và trẻ em gái
Là tỉnh miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang chiếm trên 87% dân số của tỉnh; nhận thức về mọi mặt của người dân nói chung và của phụ nữ nói riêng còn nhiều hạn chế; trong đó đáng lưu ý đó là tình trạng phụ nữ dân tộc thiểu số không biết nói tiếng phổ thông và mù chữ còn cao.
Theo số liệu thống kê đến tháng 12/2016 toàn tỉnh còn có 26.707 phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi từ 15 - 60 còn mù chữ ở mức độ 1, trong số đó có nhiều chị em còn không biết cả nói tiếng phổ thông nên xem tivi không hiểu nội dung, không nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện; khi làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến bản thân phải dùng tay điểm chỉ. Đó là rào cản lớn đối chị em trong việc tiếp thu kiến thức về mọi mặt của đời sống xã hội.
Xuất phát từ tình hình thực tế trên, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021; Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông"; Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc biết tiếng phổ thông, biết chữ, đối với mỗi cá nhân và gia đình. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp Hội tuyên truyền, vận động chị em học tiếng phổ thông, học chữ bằng nhiều hình thức, khuyến khích chị em mạnh dạn nói tiếng phổ thông khi tham gia sinh hoạt Hội và giao tiếp hằng ngày.
Từ năm 2017 đến nay, các cơ sở Hội đã thành lập được 3.929 nhóm học tiếng phổ thông, có 14.734 chị tham gia. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh ký kết Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang về xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ giai đoạn 2017 - 2021 với chỉ tiêu phấn đấu phối hợp mở 60 lớp xóa mùa chữ cho 1.600 hội viên, phụ nữ. Chỉ trong 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp (từ tháng 7/2017 đến 11/2019), các cấp Hội đã phối hợp mở được 328 lớp xóa mù chữ thu hút được 6.683 hội viên, phụ nữ và trẻ em gái tham gia học tập.
Bên cạnh việc phối hợp mở lớp xóa mù chữ, các cơ sở Hội còn thực hiện mô hình xóa mù chữ với hình thức học theo cặp, nhóm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, bạn bè dạy nhau và đã có 633 cặp, nhóm dạy được cho 822 người biết chữ.
Chị Sùng Thị Sua, ở xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc chia sẻ: Trước đây vì nhà nghèo lại ở xa trường học nên mấy chị em gái chẳng ai đi học. Lớn lên, chị Sua đi lấy chồng, cũng may chồng biết chữ nên có gì cần viết là chồng viết hộ.
"Thấy mọi người có điện thoại nói chuyện, nhắn tin mình thích lắm nhưng không biết dùng như thế nào vì không biết chữ, không biết số. Hai con tôi thì bảo cả nhà chỉ còn mỗi mẹ và bà là không biết chữ, mẹ mới 36 tuổi thôi đã già đâu, mẹ học chữ đi? Đầu năm 2019, tôi đã quyết tâm học chữ và sau hơn 3 tháng cố gắng giờ tôi thì đã biết đọc, biết viết rồi", chị Sua vui vẻ nói.
Để động viên, khích lệ chị em phụ nữ tham gia học xóa mù chữ, Hội LHPN tỉnh đã vận động được 16.000 quyển vở và bút viết hỗ trợ cho chị em tham gia các lớp xóa mù chữ.
Chị Nhữ Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quản Bạ, cho biết: "Công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số học xóa mù chữ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chị em còn tư tưởng an phận, mặc cảm, tự ty, chưa có ý chí phấn đấu, ngại đi học và định kiến giới còn tồn tại ở một số gia đình. Do đó vẫn còn có chị em phụ nữ chưa được chồng và gia đình động viên và tạo điều kiện cho đi học".
Biết tiếng phổ thông và biết chữ, chị em đã tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động cộng đồng và tiếp thu được kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng áp dụng vào thực tế đời sống, sản xuất phát triển kinh tế. Cùng với đó, nhiều chị em sau khi biết chữ đã mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp học nghề, từ đó khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng các mô hình phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mở dịch Homestay nên chất lượng cuộc sống của chị em các dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên.