pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 230.000 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng nhưng chỉ gần 1% được điều trị
Bé Vàng Mí Hên trước và sau khi được điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính
Mẹ của Hên đã mất ngay sau khi sinh bé. Bố của Hên là Vàng Mí Nô, hàng ngày phải để con ở nhà để đi làm nương rẫy. Gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có sữa, thứ để duy trì sự sống cho Hên mỗi ngày chỉ là mấy thìa nước cơm. Bố con Nô xuống bệnh viện điều trị khi trong người không có một xu dính túi, tất cả đều nhờ vào sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Từ một em bé gầy còm ốm yếu, chỉ có da bọc xương, nằm thoi thóp ở góc nhà, sau một tháng điều trị, Vàng Mí Hên đã phục hồi sức khỏe, hồng hào và nhanh nhẹn hơn.
Chia sẻ về trường hợp của bé Vàng Mí Hên, chị Phạm Thị Nhan (ở Mèo Vạc, Hà Giang), người trực tiếp kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ đưa bé đi điều trị, nghẹn ngào nói: "Đây không phải là trường hợp hiếm khi trong quá trình làm từ thiện của mình, tôi đã phát hiện và hỗ trợ đưa nhiều em nhỏ bị suy dinh dưỡng nặng trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuống Hà Nội điều trị. 100% các con có hoàn cảnh quá nghèo, bố mẹ không có nổi một đồng khi đưa con đi điều trị, thật sự rất xót xa".
Vàng Mí Hên là một trong số hàng trăm nghìn trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng trong cả nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên năm 2022, số trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại 4 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông là hơn 5.600 trẻ. Chưa đến 5% trong số đó được điều trị.
Là người có hàng chục năm gắn bó với vùng đất đỏ bazan, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, luôn canh cánh trong lòng, cố gắng tìm giải pháp để cải thiện tình trạng này.
"Thực tế, hơn 80% trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi đã kêu gọi, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức để giảm tỉ lệ này nhưng những điều làm được hiện vẫn chỉ như muối bỏ bể. Suy dinh dưỡng cấp tính hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở Tây Nguyên. Đó là điều khiến tôi thật sự rất đau lòng", ông Chiến chia sẻ.
Cần được bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị
Theo ước tính của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2021, cả nước có 235.851 trẻ em dưới 5 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Tuy nhiên, chỉ có 0,95% trong số đó được điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, chỉ ra thêm một thực tế đáng buồn nữa, đó là 99% trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để chăm lo cho con theo chế độ ăn đúng. Điều này khiến vòng xoáy suy dinh dưỡng - bệnh tật - suy dinh dưỡng càng khó tháo gỡ.
Theo bà Đỗ Hồng Phương, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, suy dinh dưỡng cấp tính nặng được coi là một bệnh cần được điều trị ở trẻ em.
Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều khó khan, tồn tại trong hoạt động quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến việc thiếu nguồn lực trong quản lý và điều trị, thiếu sự quan tâm, đầu tư kinh phí cho công tác sàng lọc, theo dõi, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại tuyến y tế cơ sở.
Tiếp đó, việc chưa có dòng ngân sách bền vững cho việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cũng khiến vấn đề này gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu thông tin truyền thông về bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng, khiến nhiều người chưa có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về căn bệnh này.
Tại Hội thảo "Tham vấn về các chính sách bảo hiểm y tế đối với bà mẹ và trẻ em trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi", chuyên đề về dinh dưỡng mới đây, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, kiến nghị, cần đầu tư kinh phí cho hệ thống giám sát, phát hiện sớm, quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại các tuyến.
Tăng cường giáo dục truyền thông chăm sóc dinh dưỡng và bệnh suy dinh dưỡng cấp tính. "Đặc biệt, cần có dòng ngân sách bền vững cho việc quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Bởi vì danh mục các dịnh vụ khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán hiện nay chưa có dịch vụ khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng cho trẻ em, bao gồm cả sản phẩm dinh dưỡng điều trị", bà Mai nhấn mạnh.
Quyết định số 4487/QĐ-BYT, ngày 18/08/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán về điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi" ghi rõ hướng dẫn phác đồ điều trị và sử dụng chế phẩm điều trị F75m 7100, RUTF trong điều trị nội trú và ngoại trú cho trẻ duy dinh dưỡng cấp tính nặng.
Tuy nhiên, các sản phẩm nêu trên không phải là thuốc nên không được đưa vào danh mục thanh toán của bảo hiểm, dẫn tới không được bảo hiểm y tế chi trả. Trẻ suy dinh dưỡng cấp tính là thiếu protein năng lượng trầm trọng. Giải pháp tốt nhất là bù đắp sự thiếu hụt, nếu chỉ sử dụng các loại thuốc theo danh mục thì không hiệu quả.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho rằng, cần tháo gỡ bất cập nêu trên bằng điều chỉnh quy định của bảo hiểm (luật bảo hiểm) để những sản phẩm này được sử dụng điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng cấp tính như quy định của Bộ Y tế.
"Chỉ có đưa vào bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng và xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em, mới tạo ra được sự bền vững cho dịch vụ khám và điều trị này", bà Trang nói.
Đa số trường hợp trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng thuộc các hộ nghèo, rất nghèo, thuộc nhóm người dân tộc thiểu số, ở khu vực vùng sâu vùng xa. Họ khó có thể có tiền để chi trả hay mua sản phẩm điều trị vì giá khá đắt (khoảng 6 triệu đồng cho một liệu trình điều trị đến phục hồi).
Thế nhưng đây lại là một tình trạng bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Thiết nghĩ, cần có những giải pháp lâu dài hơn để sớm giải quyết vấn đề này.