pnvnonline@phunuvietnam.vn
Khoảng 270 triệu người thiếu lương thực, thực phẩm trong năm 2021
Người dân châu Phi chia nhau từng miếng ăn
Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực cho người dân toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mỗi ngày có hàng trăm triệu người phải nhịn đói đi ngủ
José Divino Santos, người lái chiếc xe tải chở xương, nói với phóng viên Rafael Nascimento de Souza của tờ Extra: "Có những ngày tôi chỉ muốn khóc. Trước đây, mọi người đến đây để xin vài mẩu xương cho chó. Còn giờ đây họ xin xương để làm thức ăn". Bà Denise da Silva (51 tuổi) cho biết bà phải nuôi 5 đứa con và 12 đứa cháu sau khi chồng qua đời mới đây. "Đã quá lâu rồi tôi không nhìn thấy một chút thịt, chắc phải từ trước đại dịch", bà Silva nói.
Ước tính, có khoảng 19 triệu người Brazil rơi vào tình trạng đói nghèo kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến 600.000 người thiệt mạng. Ở những quốc gia khác trong khu vực Mỹ Latinh, tình hình còn nghiêm trọng hơn. Gần 77% người dân Venezuela hiện sống trong cảnh nghèo đói cùng cực.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa phân phát lương thực có dinh dưỡng đặc biệt nhằm ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng cho hơn 6.500 trẻ em dưới 5 tuổi tại Afghanistan. Hơn một nửa trong số 30 triệu dân Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng, phần lớn do xung đột và hạn hán làm nhiều cộng đồng dân cư mất sinh kế. Và theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện có 33.000 trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở các khu vực không thể tiếp cận ở Tigray (Ethiopia). Riêng cuộc xung đột tuần trước đã đẩy 400.000 người vào tình trạng đói nghèo.
Với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 suốt gần 2 năm qua, đảm bảo an ninh lương thực trở thành một bài toán cấp thiết đặt ra đối với toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, mỗi ngày có hàng trăm triệu người phải nhịn đói đi ngủ, 3 tỷ người không có được bữa ăn đủ dinh dưỡng. Theo phân tích từ WFP, ước tính, riêng năm 2021 có khoảng 270 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, tăng 120 triệu người so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) cho biết, số người bị mất an ninh lương thực và cần hỗ trợ khẩn cấp cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, lên tới 811 triệu người vào năm 2020, có nghĩa cứ 10 người lại có hơn 1 người bị đói.
Giá lương thực toàn cầu tăng gần 33% trong tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo Chỉ số giá lương thực hàng tháng của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra tháng 10/2021, giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 3% kể từ tháng 7, đạt mức chưa từng thấy kể từ năm 2011 khi bạo loạn lương thực ở Libya và Ai Cập. Dựa trên giá thực tế, việc mua thực phẩm trên thị trường quốc tế hiện nay khó hơn so với hầu hết các năm khác kể từ khi việc lưu giữ hồ sơ của Liên hợp quốc bắt đầu năm 1961. Ngoại lệ là năm 1974 và 1975. Các đỉnh giá lương thực lúc đó xảy ra sau khi giá dầu tăng vọt năm 1973 khiến lạm phát tăng nhanh ở nhiều bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc sản xuất và phân phối lương thực.
Chuyển đổi hệ thống lương thực toàn cầu bền vững hơn
"Lương thực là sự sống, là sự hy vọng. Hệ thống lương thực cần và phải đóng vai trò hàng đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Chương trình nghị sự 2030", Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh về các hệ thống lương thực mới đây.
Để chống lại nạn đói và đạt được mục tiêu không còn đói nghèo, cần phải thay đổi các chiến lược đang được sử dụng, để các hệ thống lương thực phục hồi, bền vững hơn. Hệ thống lương thực phải được chuyển đổi phù hợp với tính lâu dài, tôn trọng môi trường, người lao động. Trên phạm vi toàn cầu, theo FAO, nhằm bảo đảm việc cung ứng lương thực không bị đứt gãy trong đại dịch, các quốc gia cần kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng. Ngoài ra, cần thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm soát chất lượng an toàn dịch bệnh, rút ngắn thời gian thanh kiểm tra và thanh toán hàng hóa, giảm thất thoát lương thực trong quá trình vận chuyển.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tăng gấp 4 lần khoản hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực thế giới trong thập kỷ qua, từ 409 triệu USD năm 2010 lên 1,2 tỷ USD vào năm 2020. ADB đầu tư nhiều hơn vào các trang trại thực phẩm nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại địa phương, đồng thời hỗ trợ các hoạt động sau thu hoạch như lưu trữ, chế biến, tiếp thị và phân phối. Mạnh dạn phân quyền chủ động và việc làm tại địa phương sẽ tăng cơ hội việc làm, đặc biệt cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời cho phép nông dân quy mô nhỏ tiếp cận với các thị trường mới và đa dạng. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ nông nghiệp mới dựa theo điều kiện tự nhiên, sinh thái nông nghiệp. Mặt khác, áp dụng các công nghệ kỹ thuật số giá cả phải chăng để thúc đẩy sản xuất quy mô nhỏ của nông dân để họ sớm thích nghi với điều kiện canh tác biến đổi khí hậu, sử dụng các kỹ thuật carbon thấp và bền vững.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chấm dứt nạn đói, đặc biệt là việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, đã có 85 nhà lãnh đạo cam kết hỗ trợ tài chính. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dành 10 tỷ USD cho nỗ lực xóa đói, đầu tư vào các hệ thống lương thực tại cường quốc này cũng như trên thế giới. Quỹ Bill và Melinda Gates cũng thông báo đóng góp 900 triệu USD.