Lần đầu tiên Đức công bố chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Nam Anh
14/07/2020 - 14:05
Lần đầu tiên Đức công bố chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Vấn đề bình đẳng giới phải được xem xét một cách nghiêm túc chứ không chỉ ở trên giấy tờ

Chính phủ liên bang Đức vừa công bố một chiến lược quốc gia mới để thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên nội các của quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu phê duyệt chiến lược này, giúp phụ nữ thu hẹp khoảng cách về thu nhập so với nam giới, đồng thời có vai trò quan trọng hơn trong xã hội Đức.

Bước đột phá 

Có một nghịch lý đang tồn tại ở Đức là người đứng đầu quốc gia này là nữ Thủ tướng đầy quyền lực Angela Merkel nhưng nơi đây vẫn bị coi là trì trệ nhất châu Âu trong vấn đề đảm bảo công bằng cho nữ giới.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khoảng cách tiền lương giữa nữ giới và nam giới ở Đức lớn hơn các nước châu Âu còn lại. Trung bình, lương của nữ giới thấp hơn 21,6% so với lương của đàn ông, mức này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 16% của OECD. Ngoài ra, phụ nữ Đức giữ các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp chỉ chiếm 4%, trong khi mức trung bình của các nước OECD đã là 10%. Sau năm 2008, người ta mới thấy phụ nữ Đức có mặt trong ban quản lý các công ty lớn.

Sự kiện chính phủ liên bang Đức công bố một chiến lược quốc gia mới mang tên "Sự mạnh mẽ trong tương lai" có thể coi là một bước đột phá của xã hội Đức. Chiến lược này chính là cam kết chung của chính phủ Đức đối với vấn đề bình đẳng giới và được các bộ ngành tích cực tham gia. Theo đó, có thể đảm bảo rằng, câu chuyện bình đẳng giới không còn được coi là vấn đề dành riêng cho bộ Phụ nữ hay bộ Gia đình, mà là mối quan tâm chung của chính phủ Đức, rộng hơn nữa là của xã hội Đức.

Lần đầu tiên, Đức công bố chiến lược quốc gia về bình đẳng giới - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Chiến lược "Sự mạnh mẽ trong tương lai" là một bản kế hoạch gồm các mục tiêu: giảm khoảng cách lương, thu nhập giữa phụ nữ và đàn ông, cải thiện cơ hội việc làm cho nữ giới… Bên cạnh đó, chiến lược này cũng mở rộng một đạo luật cho phép nữ giới chiếm 30% trong ban điều hành để quy tắc này được áp dụng cho 600 công ty thay vì 105 công ty như hiện nay.

Bà Franziska Giffey, Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức, cho biết, để đạt được chiến lược mới này, các tổ chức hữu quan đã phải làm việc và đấu tranh trong một thời gian dài. Sau khi được phê duyệt, chiến lược mới sẽ dùng luật pháp để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới. Hiệu ứng của chiến lược mới này được thể hiện bằng việc lãnh đạo đảng CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức) của thủ tướng Merkel cam kết sẽ để phụ nữ nắm 50% các vị trí chủ chốt của đảng vào năm 2025.

Vai trò của phụ nữ trong đại dịch Covid-19

Kể từ khi Covid-19 xuất hiện và tàn phá thế giới, báo chí toàn cầu đã đề cập nhiều đến tình trạng phụ nữ là nạn nhân chịu thiệt thòi nhất vì dịch bệnh: từ chuyện công ăn, việc làm, cho đến vấn nạn bạo hành, lạm dụng tình dục. Chính những hoàn cảnh, số phận khốn khổ đó đã khiến công luận dậy sóng với vấn đề bình đẳng giới.

Lần đầu tiên, Đức công bố chiến lược quốc gia về bình đẳng giới - Ảnh 3.

Bà Franziska Giffey, Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức

Ngoài ra, có một yếu tố vô cùng quan trọng đối với vấn đề bình đẳng giới chính là vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong cuộc chiến chống lại Covid-19 mà bà Merkel chính là một ví dụ điển hình. Là một người có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, người đứng đầu nội các Đức đã sớm cảnh báo về sự nguy hiểm của chủng vi rút mới.

Chuyên gia Hans-Georg Krausslich của Bệnh viện Đại học Heidelberg, Baden-Württemberg (Đức) nhận định, sức mạnh lớn nhất của Đức là việc ra quyết định ở cấp cao nhất của Chính phủ kết hợp với lòng tin của người dân. Đó chính là nguyên nhân giúp tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Đức là khá thấp: chỉ khoảng 1,6%, trong khi Italia là 12%, Tây Ban Nha, Anh, Pháp là 10%.

Lần đầu tiên, Đức công bố chiến lược quốc gia về bình đẳng giới - Ảnh 4.

Đức bị coi là quốc gia trì trệ nhất châu Âu trong vấn đề đảm bảo công bằng cho nữ giới

Và không chỉ ở Đức, một loạt các quốc gia khác có lãnh đạo là nữ giới như: Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy… đều đối phó rất hiệu quả với dịch Covid-19. Nữ Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (34 tuổi) là nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới và hiện đang nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với dịch bệnh. Tại Iceland với dân số chỉ hơn 360.000 người, nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir đã triển khai chương trình xét nghiệm diện rộng với số lượng xét nghiệm cao gấp 5 lần Hàn Quốc và hoàn toàn ngẫu nhiên. Đây là thông tin rất quan trọng và có giá trị tham khảo lớn đối với việc định hướng và triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch bệnh trên toàn thế giới. 

Cây viết về bình đẳng giới Avivah Wittenberg Cox nhận định trên tờ Forbes rằng, điểm chung thú vị này cho thấy, các nhà lãnh đạo nữ đang thể hiện tài năng lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng. Thế giới có thể học hỏi được nhiều điều về họ, không chỉ những nữ nguyên thủ mà tất cả phái đẹp và vấn đề bình đẳng giới phải được xem xét một cách nghiêm túc chứ không chỉ ở trên giấy tờ.

Nguồn: DW, Forbes
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm