Người đứng đầu không quyết liệt tinh giản biên chế vì sợ mất quyền lợi

25/05/2018 - 12:33
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay 25/5 về tình hình kinh tế - xã hội 2017, nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân việc tinh giản biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn ngại khó, sợ mất quyền lợi.

Ngày 25/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình những tháng đầu năm 2018; kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

 

Tại phiên họp, đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho biết: Qua 2 năm thực hiện kết luận Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đã có những kết quả nhất định; tuy nhiên tổng số người hưởng lương từ ngân sách còn cao, số người làm việc trong khu vực công, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn còn nhiều.

 

Theo đại biểu Thăng, “chi thường xuyên cho bộ máy ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách”. Đáng chú ý, tổng số công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập là rất lớn, trong khi việc tinh giản biên chế, tự chủ đơn vị sự nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên. Các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc giao tự chủ, giao chưa triệt để theo quy định.

dai-bieu-pham-xuan-thang-ha-duong.jpg
Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
 

Đại biểu Thăng nhận định: Chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập quá lớn; kinh phí nhà nước cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập còn cao. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở yếu tố chủ quan, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế; quyết tâm chính trị chưa cao, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm, sợ mất quyền lợi. 

 

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng, quyết liệt tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả để giảm chi thường xuyên. Qua đó lấy nguồn lực cho đầu tư phát triển một cách tốt hơn. Đồng thời, nếu việc tinh giản biên chế đạt kết quả tốt thì “đã không phải tính đến việc tăng thu thuế dồn đập, tận thu, khiến nhân dân bức xúc như vừa qua”.

cong-chuc.jpg
Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tạo nguồn lực để tăng lương cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh minh họa
 

Trước đó, bên hành lang Quốc hội ngày 23/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm: Con đường quan trọng nhất để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế và giảm nhẹ lực lượng lao động đang làm việc mà không hiệu quả, đang hưởng ngân sách nhà nước.

 

"Phải giảm một cách tối đa lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, không tạo ra được giá trị của lao động, chính là nguồn lực, điều kiện để cải các chính sách tiền lương, nâng cao tiền lương cho người lao động", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.

Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 22/5, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng, chủ trương tinh giản biên chế là rất đúng, tuy nhiên bên cạnh việc thực hiện cũng cần lường trước và đánh giá tác động. Cụ thể như tinh giản 10% biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập và chủ trương giảm ở những khu vực phục vụ thì sẽ có nhiều tác động tới lao động nữ.

Chủ tịch Hội LHPNVN khẳng định: Vấn đề đặt ra là “Chúng ta cần có những chính sách như thế nào để sau khi tinh giản biên chế có những hỗ trợ các lao động thuộc đối tượng bị tinh giản, bao gồm cả nam và nữ”, trong đó, lao động nữ chắc chắn sẽ có những thiệt thòi, bất lợi hơn. Qua các chính sách hỗ trợ đặc thù thế nào để tạo điều kiện cho họ có cơ hội, điều kiện tiếp cận với việc làm mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm