Người mẹ có con tự kỷ: Đã có lúc muốn cùng con tìm đến cái chết

Đ.Hưng
06/04/2021 - 15:00
Người mẹ có con tự kỷ: Đã có lúc muốn cùng con tìm đến cái chết

Chị Châu Loan chia sẻ về hành trình hơn 15 năm chăm sóc con bị tự kỷ - Ảnh: T.N

"Thực tế, có những lúc từ sâu trong thâm tâm mình muốn hai mẹ con "giải quyết", có thể hai mẹ con tự tử, tìm đến cái chết cho nhẹ nhàng".

Đó là chia sẻ của chị Châu Loan - người mẹ có quãng thời gian hơn 15 năm chăm sóc con tự kỷ - tại lễ công bố hợp tác chiến lược giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ tại Việt Nam và giới thiệu thử thách bước chân 2021 diễn ra ở TPHCM ngày 6/4.

Chị Châu Loan cho biết, khi mới sinh ra, con trai đầu lòng của vợ chồng chị rất bụ bẫm, kháu khỉnh. Tuy nhiên, khi bé được khoảng 18 tháng tuổi thì chị bắt đầu cảm nhận được những khác biệt của con so với những đứa trẻ cùng độ tuổi. Khi con 20 tháng tuổi thì sự khác biệt càng thể hiện rõ, đặc biệt là ngôn ngữ nói. Hai vợ chồng chị sau đó quyết định đưa con đến bệnh viện để thăm khám .

Theo chị Loan, thời điểm đó, sự hiểu biết về tự kỷ còn rất hạn hẹp. "Ban đầu, bác sĩ có nói là con không có vấn đề gì, cứ cho con đi học mầm non. Mình nghe vậy cũng yên tâm phần nào. Nhưng sau đó thì vẫn không thể thoát khỏi những lo lắng, trăn trở", chị kể.

Khi con được 28 tháng tuổi, chị Châu Loan đưa đến đơn vị tâm lý tại một bệnh viện nhi ở TP.HCM để được hỗ trợ. Sau đó, hai mẹ con tiếp tục hành trình đến nhiều địa điểm khác. Sau khi học, trải qua những lớp với các chuyên gia về cách can thiệp cho con, chị bắt đầu chấp nhận con mình bị tự kỷ. Dần dà, chị thuyết phục gia đình chấp nhận vấn đề của con và đồng hành cùng con.

Người mẹ có con tự kỷ: Đã có lúc nghĩ sẽ cùng còn tìm đến cái chết - Ảnh 1.

Ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành Saigon Children's Charity chia sẻ tại lễ công bố

Sau quãng thời gian đồng hành cùng con, chị Châu Loan cho biết đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trong quá trình tìm hiểu vấn đề tự kỷ. Đầu tiên là cảm giác sợ hãi, hoảng loạn và lập tức phủ nhận – không chấp nhận hiện thực. Sau đó là quá trình tìm tòi, học hỏi kiến thức về vấn đề của con. Khi có một lượng kiến thức nhất định, cả gia đình chấp nhận sự thực đau xót này, và quyết định chấp nhận vấn đề của con, đồng hành cùng với con để cùng nhau bước tiếp.

Đây là một quá trình dài, vô cùng vất vả, mệt mỏi và khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên và lớn nhất có lẽ là áp lực từ xã hội, khi sự kỳ thị đối với trẻ tự kỷ còn lớn. Nguyên nhân có thể là sự hiểu biết của xã hội đối với vấn đề tự kỷ chưa được đúng, đủ. Bên cạnh đó, còn phải đầu tư kinh tế lớn bởi đây là một hành trình rất dài.

"Thực tế, có những lúc từ sâu trong thâm tâm mình muốn hai mẹ con "giải quyết", có thể hai mẹ con tự tử, tìm đến cái chết cho nó nhẹ nhàng. Không còn những mệt mỏi, day dứt, quá sức chịu đựng. Nhiều lúc đã có suy nghĩ tiêu cực như vậy nhưng may mắn sau đó đã vượt qua được với sự đồng hành, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chuyên gia", chị Châu Loan chia sẻ.

Tại lễ công bố, ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành Saigon Children's Charity cho biết, rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề khá mới đối với phần đông công chúng. "Từ khi làm việc tại Saigon Children's Charity, với những dự án hỗ trợ trẻ và gia đình có trẻ tự kỷ, chúng tôi nhận thấy những hỗ trợ dành cho các đối tượng này còn rất phân mảnh, và bản thân một tổ chức không thể đảm đương được. Để cung cấp sự hỗ trợ tốt nhất cho người dân Việt Nam, điều quan trọng là phải tập hợp tất cả các bên liên quan đang làm việc để cải thiện nghiên cứu, sư phạm, trị liệu, can thiệp và hỗ trợ trong lĩnh vực quan trọng này", ông Damien Roberts chia sẻ.

Hợp tác chiến lược giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tự kỷ tại Việt Nam nhằm mục đích quy tụ các tổ chức và cá nhân là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ người tự kỷ như y tế, trị liệu, giáo dục, chăm sóc và công nghệ. Từ đó, đầu mối về các hoạt động hỗ trợ tự kỷ này có thể hỗ trợ các gia đình có người tự kỷ tìm được sự giúp đỡ kịp thời và phù hợp, đồng thời những tổ chức và cá nhân làm việc trong lĩnh vực tự kỷ cũng dễ dàng phối hợp, cộng tác, tạo đà cho nguồn lực chung hỗ trợ người tự kỷ.

Dịp này, Saigon Children's Charity cũng công bố khởi động "Thử thách Bước chân 2021" để nâng cao nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời mỗi lượt đăng ký cũng trực tiếp đóng góp 130.000 đồng vào các hoạt động hỗ trợ trẻ em tự kỷ có hoàn cảnh khó khăn như đào tạo kiến thức cho phụ huynh và nhà thực hành, cũng như cung cấp khóa trị liệu can thiệp sớm miễn phí cho trẻ.

Đây là năm thứ 3 "Thử thách Bước chân" được tổ chức. Trong 2 năm thực hiện, chương trình đã gây quỹ hơn 1 tỷ đồng để đóng góp cho hoạt động hỗ trợ tự kỷ (2019) và hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (2020).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm