Người phụ nữ vùng cao phát triển đặc sản địa phương

Linh Trần
04/12/2022 - 09:14
Người phụ nữ vùng cao phát triển đặc sản địa phương

Chị Hiền giới thiệu sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương

Với mong muốn giữ gìn hương vị của sản phẩm truyền thống, chị Cồ Thị Hiền đã quyết định sản xuất miến dong. Đây là sản phẩm truyền thống của gia đình và làng nghề nên chị giữ nguyên hương vị truyền thống.

Hưởng ứng phong trào Phụ nữ tích cực, lao động sáng tạo, nhiều năm qua trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) đã xuất hiện những tấm gương điển hình trong phong trào sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trong đó, chị Cồ Thị Hiền (SN 1982, thôn Thành Sơn, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, Lào Cai) là điển hình phát triển kinh tế với mô hình sản xuất miến dong truyền thống. 

Chị đến với nghề sản xuất miến dong như thế nào?

Chị Cồ Thị Hiền: Gia đình tôi có nghề làm miến dong nhưng đã ngừng sản xuất từ lâu do hiệu quả không cao. Sau khi lập gia đình (năm 2012), vợ chồng tôi được bố mẹ chia cho 03 sào ruộng để trồng lúa. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất, lại thiếu kiến thức và vốn đầu tư nên sản lượng đạt thấp, các con còn nhỏ, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, tôi luôn mong muốn vươn lên để cuộc sống gia đình tốt hơn. 

Người phụ nữ vùng cao phát triển đặc sản địa phương - Ảnh 1.

Sản phẩm miến dong được phơi trong quá trình sản xuất của chị Hiền

Sau khi tìm hiểu, tôi cũng nghĩ rằng, sản xuất miến dong có thể cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Ngoài ra, với mong muốn lưu giữ lại nghề truyền thống của gia đình, tôi quyết định sẽ sản xuất miến dong.

Kết quả như thế nào, thưa chị?

Chị Cồ Thị Hiền: Tôi bàn với chồng khôi phục lại nghề sản xuất miến dong, miến đao để lưu giữ lại hương vị quê hương. Chồng tôi đồng ý. Năm 2017, chúng tôi đã huy động số vốn 400 triệu đồng từ người thân trong gia đình để mua sắm các thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho sản xuất miến. Đồng thời, xây dựng một xưởng sản xuất rộng 1.000m2. 

Sau khi đi vào hoạt động, chúng tôi sản xuất nhỏ theo quy mô gia đình. Năm đầu tiên, chúng tôi sản xuất được từ 4-5 tấn miến khô, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập từ 80-90 triệu đồng/năm.

Người phụ nữ vùng cao phát triển đặc sản địa phương - Ảnh 2.

Chị Cồ Thị Hiền

Hiệu quả có như chị mong muốn? 

Chị Cồ Thị Hiền: So với trồng lúa thì ổn hơn, nhưng tôi vẫn cho rằng hiệu quả như vậy là quá thấp. Nguyên nhân là do chúng tôi thiếu kinh nghiệm sản xuất, nguồn vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị máy móc sản xuất, kỹ thuật pha chế, cách bảo quản; ngoài ra, quy trình sản xuất còn thô sơ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, nên khả năng cạnh tranh thấp.

Chị khắc phục các vấn đề này như thế nào?

Chị Cồ Thị Hiền: Để khắc phục các vấn đề trên, tôi học hỏi, nghiên cứu tài liệu. Đặc biệt, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Hội phụ nữ các cấp. Họ đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn thông qua các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất tại huyện, tỉnh.

Năm 2020, tôi đã tham gia cuộc thi "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" cấp tỉnh do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đạt giải ý tưởng xuất sắc "Xây dựng cơ sở sản xuất miến dong, miến sâm truyền thống chất lượng cao". Đồng thời, tôi đã được tham gia dự án "Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh". Dự án đã hỗ trợ 10 triệu đồng để thiết kế lại mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Năm 2021 với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Hội phụ nữ huyện Bát Xát và Hội LHPN tỉnh Lào Cai, cơ sở sản xuất miến dong của tôi đã được nâng cấp và thành lập "Hợp tác xã miến dong Hưng Hiền".

Đến nay gia đình tôi đã mở rộng quy mô sản xuất với 1.500 m2 đất. Tổng sản lượng hàng năm đạt 12 tấn thành phẩm, trừ chi phí bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 240-250 triệu đồng/năm.

Người phụ nữ vùng cao phát triển đặc sản địa phương - Ảnh 4.

Sản phẩm miến dong của chị Hiền giữ nguyên hương vị truyền thống

Hiện nay sản phẩm miến dong của chúng tôi đã có mặt tại thị trường miền Bắc và một số tỉnh miền Nam như: Khánh Hòa, Vũng  Tàu, Trà Vinh... và tạo công ăn việc làm ổn định cho 05 lao động thường xuyên; 10 chị lao động thời vụ là chị em hội viên phụ nữ nghèo với mức lương 6 triệu đồng/tháng, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Được biết, chị cũng rất nhiệt tình hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn?

Chị Cồ Thị Hiền: Tôi cũng đã từng rất khó khăn nên khi có điều kiện thì chia sẻ với chị em, phụ nữ có hoàn cảnh như mình trước kia. Tôi thường giúp bằng cách cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không tính lãi để phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị em nào có nhu cầu làm việc tại cơ sở của mình tôi cũng tạo điều kiện để họ tham gia.

Xin cảm ơn chị

Hàng năm, gia đình chị Hiền đều được công nhận là gia đình văn hóa. Chị đã được UBND tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; được Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

Đặc biệt Năm 2020, Chị Hiền vinh dự được bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai về lĩnh vực khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giai đoạn 2018-2020. Năm 2022, chị được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tặng Danh hiệu Nông dân Lào Cai xuất sắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm