pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo việc làm từ nghề làm đệm bông lau truyền thống của phụ nữ Tày
Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn từ nghề truyền thống
Trung bình mỗi ngày, nhóm phụ nữ ở thôn Chiềng 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai có thu nhập khoảng 200.000 đồng/người. Nghề làm đệm bông lau và may quần áo truyền thống đang tạo việc làm ổn định cho 10 -15 phụ nữ tại địa phương.
Toàn bộ chị em tham gia tổ nhóm đều là phụ nữ dân tộc Tày, do chị Lương Thị Tương làm chủ cơ sở.
Từ năm 2003, nhận thấy sự mai một của nghề dệt truyền thống, trong khi nhu cầu sử dụng sản phẩm của người Tày và khách tìm mua ở nhiều nơi, bà Phùng Thị Tưởng, tổ 5 thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn đã đứng ra thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp dệt may truyền thống. Tâm huyết của bà đã trở thành hiện thực.
Từ nghề truyền thống chị Tương phát triển sản phẩm kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm, nhờ vậy mà đơn hàng ngày một tăng. Cơ sở đã tăng thêm lao động, tạo việc làm thời vụ cho người dân địa phương.
Chị Tương chia sẻ: "Mục đích làm là để bán sản phẩm cho các dân tộc của mình, và bên du lịch hay mua nhiều đệm, gối với quần áo Tày. Ngày đoàn kết thì cán bộ, công nhân viên đến chỗ tôi mua nhiều, nên tôi không muốn bỏ nghề."
Sản phẩm HTX tiểu thủ công nghiệp Khánh Yên làm chủ yếu là đồ dệt thổ cẩm và quần áo, các vật dụng từ vải thổ cẩm như đệm ngồi nhồi bông, đồ lưu niệm, vải vóc. Cứ vào mùa nông nhàn hoặc khi có thời gian rảnh rỗi, các xã viên lại tập trung lại. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ truyền dạy thêm cho người chưa thành thạo để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Hàng chục hội viên cùng làm đệm bông lau, mỗi người một công đoạn, tạo thành quy trình sản xuất khép kín, từ việc tạo mẫu hoa văn đến hoàn thiện sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm đệm ngồi bông lau có thị trường tốt hơn, thu nhập của chị em cũng tăng cao.
Chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Chiềng 4, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cho biết: "Truyền thống làm đệm thì người Tày đã có từ lâu. Có phần người may, có phần người thêu tính theo sản phẩm. Nhồi bông lau rồi mình mới khâu, làm xong sản phẩm thì mới giao cho chủ. Từ xưa tôi đã thích nghề truyền thống này. Hiện tại, tôi học theo bà cô để sau này bà cô không làm được nữa thì tôi sẽ là người làm ra sản phẩm, có thể mang lại thu nhập cho bản thân."
Để nghề truyền thống của người Tày được bảo tồn và phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch ở địa phương, huyện Văn Bàn cũng đã quan tâm, tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con khôi phục, giữ nghề, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình.
Ông Hoàng Văn Bắc, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Bàn chia sẻ: "Bảo tồn bản sắc những nghề truyền thống của dân tộc Tày hiện nay phải đáp ứng được hai mục tiêu: không bị mai một, và lưu giữ truyền dạy cho thế hệ trẻ. Sản phẩm truyền thống sẵn sàng trở thành một trong những sản phẩm du lịch khi Văn Bàn hình thành được các mô hình phát triển du lịch cộng đồng."
Làm đệm bông lau không chỉ giữ nghề truyền thống mà còn giúp chị em tăng thêm thu nhập. Để mở rộng quy mô, cơ sở đang tìm nguồn nguyên liệu ổn định để phát triển góp phần làm phong phú thêm sản phẩm từ nghề truyền thống của dân tộc Tày địa phương.