pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tập trung truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hơn 400 học sinh dân tộc thiểu số
Buổi chia sẻ giữa báo cáo viên và học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: P.Thảo
Tại hội nghị, học sinh được nghe các chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Qua buổi tuyền thông, học sinh được nâng cao hiểu biết pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giúp các em có nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó chung tay đẩy lùi và xoá bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cũng tại chương trình, Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang đã tặng 20 suất quà cho 20 học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập.
Theo Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, đây là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần vào kết quả chung của công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh; qua đó tạo những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, hiện nay tỉnh không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
Tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 10.043 cặp kết hôn, trong đó có 319 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 3,1%), tỷ lệ tảo hôn cao nhất là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày.
Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến dưới 18 tuổi đối với nữ, từ 18 đến dưới 20 tuổi đối với nam.
Báo cáo viên tại hội nghị này, ông Nguyễn Hồng Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn còn tồn tại do tác động của các vấn đề sinh kế, khoảng 72,3% người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên sống ở nông thôn làm nông nghiệp, nhu cầu nhân lực lớn thúc đẩy việc kết hôn sớm; Một số cặp thanh thiếu niên nếu bị gia đình hoặc chính quyền ngăn cản không cho lấy nhau là ăn lá ngón tự tử (nhiều nhất là trong đồng bào dân tộc Mông), gây khó khăn trong việc can thiệp ngăn chặn tảo hôn. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số bỏ học cũng là một nguyên nhân và hệ quả của tảo hôn.
Đồng thời, việc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và y tế liên quan đến sức khỏe tình dục, sinh sản, phòng tránh thai cũng khiến tăng tỉ lệ mang thai sớm; vì vậy tảo hôn được xem là giải pháp xử lý hậu quả mang thai ngoài ý muốn nhằm "bảo vệ danh dự" của người con gái và gia đình khỏi kỳ thị và chê bai của xã hội.
Đặc biệt, việc thực thi pháp luật ở lĩnh vực này còn hạn chế ở vùng dân tộc thiếu số; cụ thể như: Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Nhiều gia đình sẵn sàng chấp nhận bị phạt để tổ chức cưới tảo hôn cho con, nhất là trong trường hợp cô gái đã có thai. Chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số; hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt, chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế. Mặt khác, ở cơ sở, cán bộ xã nhiều khi là anh em họ hàng nên dù biết là vi phạm vẫn đành làm ngơ, tạo điều kiện cho tảo hôn tồn tại.
Ngoài các biện pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, theo ông Nguyễn Hồng Tư, công tác tuyên truyền phải được đặt lên hàng đầu và lồng ghép các chương trình dân số với các chương trình phát triển tại địa phương.
Đặc biệt, tại các nhà trường, thầy cô giáo phải là những người đi đầu, truyền thông cho học sinh về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết bằng cách trò chuyện trực tiếp với các em hoặc phát tin bài qua loa phóng thanh, qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, qua các buổi sinh hoạt; Thành lập câu lạc bộ về sức khỏe sinh sản vị thành niên để tạo môi trường cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa về nhiều chủ đề trong đó có chủ đề phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...