pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW: Bao phủ chính sách an sinh đến lao động khu vực phi chính thức
Năm 2020, đã có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, gần gấp đôi so với năm 2019. Ảnh minh họa KT
Vừa hoàn thành xong thủ tục nhận lương hưu, bà Nguyễn Thị Nga, ở phố An Hòa – Hà Đông (Hà Nội) như trút được lo lắng, bởi bà có thể yên tâm hơn khi hàng tháng sẽ có khoản tiền lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng làm chỗ dựa lúc tuổi già. Là công nhân may cho một doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng bà lại thiếu hơn 5 năm đóng BHXH bắt buộc để đủ điều kiện nhận lương hưu.
Qua tìm hiểu, nếu bà nhận "một lần" thì số tiền được lĩnh cũng không đáng là bao. Đặc biệt, điều đáng lo hơn là không có tiền lương hưu hàng tháng khi tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút không thể lao động được nữa, thì bà không còn chỗ có thể trông vào, nhất là những lúc trái gió ốm đau.
Nhờ có quy định cho phép đóng một lần BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để lĩnh lương hưu, bà nhanh chóng quyết định và hoàn thiện thủ tục để nhận lương hưu. "Từ giờ tôi có thể yên tâm, không phải quá phụ thuộc vào còn cháu và không phải lo lắng tới kế sinh nhai khi về già nữa", bà Nga vui vẻ nói.
Từ năm 2008, chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai đã tạo ra cơ hội cho người nông dân, lao động khu vực phi chính thức có thể tiếp cận được chính sách an sinh này. Chị Nguyễn Thị Huệ, ở xã Nam Phong (Phú Xuyên – Hà Nội), cho biết: Chồng chị là công nhân nên tham gia BHXH bắt buộc, còn chị ở nhà làm nội trợ nên chi tiêu sinh hoạt chủ yếu trông vào tiền lương của chồng.
Anh chị có 2 con đang tuổi ăn học, kinh tế không khá giả gì, nhưng khi được cán bộ BHXH tuyên truyền, giải thích, chị Huệ ưng ngay và quyết định tham gia với mức đóng 1 triệu đồng/tháng. "Tôi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương như chồng và cũng muốn tất cả thành viên trong gia đình đều được lĩnh lương hưu lúc về già", chị Huệ nói.
Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, việc cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện, không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến người nông dân, lao động khu vực phi chính thức.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế xã hội và tác động nhiều mặt tới đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thành vượt mức phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28 đề ra.
Nhận định về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, chính sách BHXH đặt ra trong Nghị quyết số 28 nhằm thực hiện một bước Hiến pháp năm 2013, đó là "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội".
Theo ông Lợi, từ năm 2008 đến hết năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 280.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đến năm 2019 số người tham gia đã có sự gia tăng ngoạn mục, khi cả nước có thêm gần 300.000 người đăng ký tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên trên 580.000 người.
Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai lũ lụt tại miền Trung nhưng BHXH Việt Nam đã thực hiện đúng theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội"; kết quả đến nay đã có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.