Trang bị kiến thức pháp luật thiết thực để bảo vệ trẻ em qua những phiên tòa giả định

Hải Linh (thực hiện)
16/09/2022 - 21:42
Trang bị kiến thức pháp luật thiết thực để bảo vệ trẻ em qua những phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định tuyên truyền về pháp luật cho trẻ em vừa được Chi hội Luật sư tổ chức tại huyện Củ Chi, TPHCM

Gần 7 năm qua, việc tuyên truyền pháp luật dưới hình thức các phiên tòa giả định của Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã trang bị cho trẻ em, cha mẹ, giáo viên, cộng đồng dân cư biết về trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi phát hiện các hành vi gây tổn hại, xâm hại trẻ.
Phương pháp tuyên truyền có tính trực quan sinh động

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết: "Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đang muốn học tập Chi hội của chúng tôi để tổ chức các phiên toà giả định. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, để việc tuyên truyền pháp luật đến trẻ em và người dân được lan toả rộng rãi hơn. Bởi đây là phương pháp tuyên truyền có tính trực quan sinh động, có sức thu hút và lan tỏa đến số đông nhanh, hiệu quả thiết thực".

Trang bị kiến thức pháp luật đa dạng và thiết thực cho trẻ em bằng phiên toà giả định - Ảnh 1.

Luật sư Ngọc Nữ trong hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức phiên toà giả định tại Đà Nẵng

"Các phiên toà xét xử giả định nhưng mọi trình tự, thủ tục diễn biến phiên toà giống như các phiên toà mà Tòa án xét xử trên thực tế. Đặc biệt, nội dung vụ án thực hiện qua các phiên toà rất gần gũi, thiết thực với cuộc sống hằng ngày, chọn những vụ việc thường xảy ra, phát sinh trên thực tế có liên quan trực tiếp đến trẻ em như tội cố ý gây thương tích, tội phạm về xâm phạm tình dục trẻ em, tội vi phạm về giao thông đường bộ, tội phạm liên quan đến ma tuý", Luật sư Ngọc Nữ chia sẻ.

Diễn biến phiên tòa giả định đã rút ngắn về phần thủ tục tố tụng, tập trung vào phần nội dung để lồng ghép, đưa các thông tin phù hợp với mục đích là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua phiên toà, những người tham dự biết thêm những kiến thức về pháp luật, biết được phiên tòa xét xử hình sự diễn ra trên thực tế là như thế nào. Biết được hậu quả sẽ xảy ra và hình phạt sẽ gánh chịu nếu có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Biết cách phòng ngừa, bảo vệ trẻ em tránh bị xâm hại. Từ đó góp phần hạn chế, ngăn ngừa những vụ việc xâm hại đến trẻ em.

Tìm nơi thu hút đông học sinh và người dân để mở phiên toà giả định

Theo luật sư Ngọc Nữ, nơi tổ chức các phiên toà giả định hầu hết là các trường cấp 2, cấp 3, tại cộng đồng khu dân cư - nơi mà các học sinh, thầy cô, phụ huynh học sinh, người dân đều có thể tham gia trực tiếp, giúp tuyên truyền pháp luật trực tiếp đến đối tượng cần truyền thông.

Ở các trường cấp 2, cấp 3, Chi hội Luật sư phối hợp với nhà trường, Hội LHPN địa phương thường tổ chức phiên toà giả định vào đầu giờ sáng thứ 2, sau khi các em chào cờ đầu tuần, cũng có thể là các buổi sáng trước khi vào học... Thời gian diễn ra 1 phiên toà chỉ khoảng 60 phút.

Việc kết hợp việc sinh hoạt dưới cờ của nhà trường với việc tuyên tuyên truyền pháp luật sẽ thuận tiện trong việc tập hợp đông đủ thầy cô, học sinh các lớp cùng tham gia, không làm ảnh hưởng đến việc học tập các môn học khác của học sinh.

Trang bị kiến thức pháp luật đa dạng và thiết thực cho trẻ em bằng phiên toà giả định - Ảnh 2.

Sau mỗi phiên toà giả định, các học sinh còn được luật sư giải đáp thắc mắc về kiến thức pháp luật

Đối với cộng đồng dân cư (thực hiện ở chợ, khu phố, chung cư…) thì thường thường thực hiện vào ngày thứ bảy, chủ nhật, hoặc buổi chiều, sau giờ làm, không ảnh hưởng nhiều đến việc làm ăn, kinh doanh của người dân, nên thu hút nhiều người tham gia.

Hội LHPN, Đoàn thanh niên địa phương có thể phối hợp tổ chức

Hiện nay việc tuyên truyền pháp luật được nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể cùng thực hiện. Khi thực hiện có sự phối hợp của nhiều nơi để dễ dàng triển khai, tiết kiệm chi phí, đạt hiệu quả cao.

Ví dụ UBND xã, phường, Hội LHPN, Đoàn thanh niên thực hiện công việc khảo sát, thăm dò xác định đúng nơi đang có nhu cầu, nơi cha mẹ, thầy cô, xã hội đang gặp phải những vấn đề vướng mắc về bảo vệ trẻ em. Nơi có xảy ra việc trẻ em bị xâm hại, những gia đình là dân nhập cư, tạm trú ngắn và dài hạn, đang ở nhà trọ. Nơi công nhân lưu trú có trẻ em cùng sinh sống (những nơi này dễ tìm ẩn nguy cơ trẻ em bị xâm hại, do khó khăn để giám sát theo dõi), để Chi hội thực hiện tổ chức phiên toà, sẽ đáp ứng được kịp thời các vấn đề pháp lý thực tế, cung cấp những thông tin bổ ích, chính xác mà đối tượng cần tuyên truyền đang mong muốn.

"Về trang thiết bị, dụng cụ thực hiện phiên toà, thường chúng tôi sử dụng các bàn ghế có sẵn ở Trường học để sắp xếp các vị trí thành mô hình phiên toà xét xử, sử dụng âm thanh, micro sẵn có của nhà trường, cho nên không tốn kém chi phí đầu tư thiết bị", luật sư Ngọc Nữ cho biết.

Trang bị kiến thức pháp luật đa dạng và thiết thực cho trẻ em bằng phiên toà giả định - Ảnh 3.

Các thành viên Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM trong chiến dịch Luật sư tình nguyện năm 2022 

Người thực hiện phiên tòa: Diễn biến phiên toà thực hiện theo kịch bản soạn sẵn, thường do các Luật sư thuộc Chi hội Luật sư thực hiện. Thành phần những người thực hiện phiên toà (Hội đồng xét xử, bị cáo, bị hại, luật sư, người làm chứng, công an tư pháp…), mỗi vụ án thường cần khoảng 12 - 15 người. Trong một số vai này có thể phối hợp với người của địa phương nơi thực hiện.

Ví dụ vai Hội thẩm nhân dân, người làm chứng, người đại diện bị cáo, đại diện bị hại, công an tư pháp có thể do thầy cô giáo, thành viên Hội Luật gia, Hội LHPN, công an xã/phường thực hiện). Còn các vai chính như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư do các Luật sư thực hiện.

Luật sư Ngọc Nữ nhận định: "Sau thời gian gần 7 năm tổ chức liên tục các phiên toà giả định, tôi thấy việc thực hiện truyền thông bảo vệ trẻ em có những thuận lợi như: Thực hiện được liên tục trong thời gian dài, một kịch bản phiên toà có thể thực hiện nhiều lần, nhiều nơi. Một lần thực hiện thì có thể tuyên truyền được cho nhiều người, có những trường học mỗi đợt tham gia ngoài thầy cô, phụ huynh tham dự ra thì có thêm trên 1.000 em học sinh, trường học nào ít thì số lượng học sinh tham gia mỗi đợt cũng trên 500 học sinh. Ở các khu phố, chợ, khu công nhiệp, cộng đồng dân cư thì mỗi đợt thực hiện cũng có ít nhất là hơn 200 người tham dự".

Thực tế, phiên toà giả định dễ triển khai, đạt hiệu quả cao, thể hiện tính linh hoạt, có thể dễ dàng thực hiện tại các ấp, tổ dân phố, khu nhà trọ, cộng đồng dân cư, trường học. Không tốn kém nhiều chi phí, những người tham gia thực hiện không lấy phí, hoàn toàn tự nguyện nên không tốn kém chi phí.

"Tôi cho rằng, số lượng người tham gia thực hiện một phiên toà đông (cần từ 12-15 người) đòi hỏi phải kết hợp được đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật và những cá nhân khác có tâm, có tấm lòng với trẻ em, tự nguyện bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thực hiện công việc. Điều này là khó nếu ở nơi không có đủ nhân sự, không có con người tự nguyện thì không thực hiện lâu dài, ổn định được", Luật sư Ngọc Nữ bộc bạch.

Luật sư Ngọc Nữ cho rằng: "Kịch bản đã có sẵn, nên không cứ phải là Luật sư mới thực hiện được phiên toà giả định. Chúng tôi cho rằng Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Hội Luật gia cũng hoàn toàn có thể chủ động phối hợp thực hiện được các phiên toà giả định để tuyên truyền pháp luật. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan (Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội phụ nữ, Hội Luật gia) cần ký với nhau quy chế hỗ trợ, phối hợp để thực hiện việc truyền thông bảo vệ trẻ em thông qua các phiên toà giả định được ổn định, lâu dài, liên tục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm