21 vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường có thực sự quan trọng?

Linh Trần
27/12/2019 - 19:15
21 vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường có thực sự quan trọng?
 Bộ Y tế vừa quyết định bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng trung bình của từng loại  trong 100ml sữa trong Chương trình Sữa học đường. Vậy, vi chất dinh dưỡng là gì, quan trọng như thế nào và tại sao cần phải bổ sung? Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

Cơ thể ra sao nếu thiếu vi chất?

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội) cho biết, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cơ thể.

Theo PGS. Nguyễn Quang Dũng, có 29 vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Những vi chất này có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật, ví như trong trứng, sữa, thịt, rau, củ, quả… Nếu thiếu vi chất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể và có thể mắc một số bệnh. Ví dụ như vitamin A có trong thịt, cá, trứng, sữa… cần cho sự tăng trưởng của cơ thể, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Khi thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa, chậm tăng trưởng.

Vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể

Vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể

Sắt là chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan và nội tạng động vật, thực vật thân mềm, các loại đậu, bí ngô… Nếu trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể. Đối với thai phụ, thường là thiếu máu do thiếu sắt. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ bản thân người mẹ mà còn ở cả thai nhi. Theo đó, sản phụ dễ xảy thai, thai lưu, vỡ ối sớm, nhau bong non, sinh non, nguy cơ cao bị tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng ối, ối vỡ sớm; băng huyết sau sinh. Trẻ sinh ra hay bị nhẹ cân, sinh non tháng, vàng da sau sinh, thời gian điều trị dưỡng nhi kéo dài.

Kẽm có tác dụng giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Kẽm có nhiều trong tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu. Khi thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ bị biếng ăn, dễ bị nhiễm trùng.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng Bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Viện Đào tạo y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội)

Vitamin C có tác dụng giúp cho cơ thể chống oxy hóa, tham gia vào nhiều hoạt động sống quan trọng của cơ thể như quá trình hình thành collagen, kích thích ruột non hấp thụ sắt. Vitamin C có nhiều trong rau, củ quả, đặc biệt là ổi. Nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng sưng nướu răng, dễ chảy máu, dễ mắc bệnh, trẻ mệt mỏi khi hoạt động.

Canxi và Vitamin D: Canxi có trong trứng, sữa, các loại đậu nành, rau, hạt, cá , hải sản,… Canxi và vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi sẽ làm cho trẻ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, ra nhiều mồ hôi trộm.

Có nhiều con đường bổ sung vi chất

 PGS.TS Nguyễn Quang Dũng cho biết, khi trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng thì có 3 giải pháp để bổ sung, gồm:

Giải pháp ngắn hạn (bổ sung trực tiếp các vi chất dinh dưỡng như uống vitamin A, viên sắt, dầu I-ốt…); Giải pháp trung hạn (tăng cường vi chất vào thực phẩm);  Giải pháp dài hạn (đa dạng hóa bữa ăn, cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn của người dân).

Phân tích về những giải pháp này, PGS. Dũng cho biết, đối với trường hợp thiếu vi chất dinh dưỡng còn phổ biến hoặc trầm trọng, các vi chất dinh dưỡng được tổng hợp thành các chế phẩm để sử dụng bổ sung trực tiếp. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chương trình uống Vitamin A liều cao để phòng chống thiếu vitamin A, điều trị khô mắt. Hoặc cho thai phụ uống viên sắt phòng chống thiếu máu dinh dưỡng.

Ngoài ra, có thể tăng cường vi chất thông qua thực phẩm. Theo đó, nhà sản xuất cho một lượng nhất định một hoặc một số loại vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm nào đó mà được nhiều người ăn nhất, tiêu thụ thường xuyên. Đây là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững. 

Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều loại thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng sẵn có trên thị trường, như muối hoặc bột canh trộn i-ốt; nước mắm tăng cường sắt; bánh quy bổ sung sắt-kẽm và mới đây nhất là chương trình sữa học đường. 

Theo Thông tư 31/2019 được Bộ Y tế ban hành ngày 5/12/2019, có 21 vi chất được bổ sung trong Chương trình sữa học đường.

Dù vậy, PGS. Nguyễn Quang Dũng cho rằng, biện pháp lâu dài và cơ bản, có tính bền vững cao là cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, sao cho khẩu phần ăn cung cấp đầy đủ, cân đối nhu cầu trong đó có các vi chất dinh dưỡng. 

PGS. Dũng cũng cho rằng, đối với sữa học đường, khi Bộ Y tế đã quyết định bổ sung vi chất thì chắc chắn phải có cơ sở khoa học. Dù vậy, việc thực hiện cũng cần phải tính toán, cân đối với trẻ ở từng vùng miền, bởi ở khu vực thành phố, dinh dưỡng của trẻ cơ bản đã đủ thông qua bữa ăn, nhưng lại ít vận động nên có nguy cơ béo phì. Trong khi đó, ở khu vực miền núi, trẻ ít được uống sữa, tình trạng suy dinh dưỡng cao. Do đó, nhà nước nên có các loại sữa riêng biệt cho từng đối tượng ở từng khu vực để bổ sung, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí lực.

Theo Quyết định 1340/QĐ-TTG, ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt

Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiều học đến năm 2020:

1. Mục tiêu:

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

2. Các chỉ tiêu:

- Đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm