Bé 2 tuổi bị liệt toàn thân sau nhiễm Adenovirus và cảnh báo của chuyên gia

Linh Trần
09/12/2022 - 12:18
Bé 2 tuổi bị liệt toàn thân sau nhiễm Adenovirus và cảnh báo của chuyên gia

Bác sĩ Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ chăm sóc cho bệnh nhi

Sau khi nhiễm Adenovirus, bé 2 tuổi đã bị biến chứng rất nặng, liệt toàn thân. Theo các chuyên gia, khi trẻ bị nhiễm Adenovirrus, phụ huynh cần chú ý các biểu hiện của bé để có hướng xử lý kịp thời. 

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận bệnh nhi Đ.V.T. (2 tuổi, trú tại Phú Thọ) bị biến chứng rất nặng sau nhiễm Adenovirus. Theo hồ sơ bệnh án, ngày 23/11/2022, bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm Candidas tiết niệu, di chứng viêm não sau nhiễm Adenovirus (liệt mềm toàn thân), suy hô hấp độ III.

Gia đình cho biết, trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Sau đó, trẻ xuất hiện sốt cao kéo dài kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa nổi bật gồm: đi ngoài phân lỏng (9-10 lần/ngày), nôn nhiều (2-3 lần/ngày). Trẻ được gia đình đưa đi khám tại cơ sở y tế địa phương và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp đồng thời theo dõi tình trạng nhiễm trùng huyết. Sau đó, trẻ đã xuất hiện triệu chứng co giật kín đáo, không rõ cơn giật điển hình hay tím tái nên gia đình đưa xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Sau đó vài ngày, khi bệnh nhi được xét nghiệm Adenovirus bằng phương pháp Realtime PCR tại Bệnh viện Nhi Trung ương và cho kết quả dương tính. Các triệu chứng co giật rõ rệt hơn, các cơn co giật xuất hiện với tần suất nhiều hơn và kéo dài (trong khoảng 10 phút). Sau co giật trẻ không tỉnh lại, giảm ý thức và bắt đầu có tình trạng yếu liệt chân tay 2 bên. Bệnh nhi được điều trị an thần, thở máy kết hợp với kháng sinh liều cao, điều trị tình trạng viêm não, màng não, chống phù não, tăng áp lực nội sọ. 

Sau một thời gian điều trị, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn, tình trạng sốt cao đã được cải thiện nên được chuyển về Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, di chứng của viêm màng não sau nhiễm Adenovirus khiến bé bị liệt mềm toàn thân, cần rất nhiều thời gian để cải thiện. Hiện tại, trẻ được điều trị với phác đồ bằng an thần thở máy, truyền albumin, truyền máu kết hợp sử dụng các thuốc kháng sinh.

Bé 2 tuổi bị liệt toàn thân sau nhiễm Adenovirusvà cảnh báo của chuyên gia - Ảnh 1.

Bệnh nhi đang được chăm sóc tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ

Chú ý các biểu hiện của Adenovirus

Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương), Adenovirus là một nhóm virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông. Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. "Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém", bác sĩ Hanh nói.

TS.BS Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ nhiệm Khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, virus Adeno đa phần gây biểu hiện từ mức độ nhẹ - vừa. Trẻ nhiễm Adeno có biểu hiện là viêm kết mạc, viêm họng, viêm đường hô hấp trên, thanh quản và có trường hợp gây viêm dạ dày ruột. Nhưng cũng có cá biệt một số trường hợp gây biến chứng nặng, bội nhiễm vi khuẩn, điều này phụ thuộc vào tuýp virus Adeno, độ tuổi và sức đề kháng của trẻ. "Khi nhiễm virus, hệ miễn dịch của trẻ sẽ bị suy yếu. Cùng với đó là sự tổn thương niêm mạc đường hô hấp do virus gây ra, rất dễ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp, làm nặng thêm tình trạng nhiễm virus Adeno ở trẻ", bác sĩ Tùng thông tin.

Còn theo BS. Dương Thị Hồng Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ), không phải tất cả trường hợp trẻ nhiễm Adeno đều phải nhập viện. Theo đó, trong trường hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm Adenovirus ở mức độ nhẹ với các biểu hiện như: sốt cao, ho ít, gia đình hoàn toàn có thể theo dõi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tại nhà.

Trường hợp trẻ nhiễm Adenovirus mà xuất hiện một số triệu chứng nặng như: sốt cao nhiều ngày không đáp ứng với thuốc hạ sốt; bị viêm kết mạc mắt, đau mắt hoặc có vấn đề về thị lực; bị nôn mửa, tiêu chảy… gia đình cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.  "Trẻ nhiễm virus Adeno được cách ly tại phòng bệnh riêng, hỗ trợ hô hấp khi cần. Trẻ được điều trị theo triệu chứng, như hạ sốt nếu sốt cao, bù nước điện giải, bổ sung dinh dưỡng, sử dụng thuốc kháng virus với trường hợp nặng, suy giảm miễn dịch", bác sĩ Ngọc nói.

Các chuyên gia cũng cho biết, để phòng bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ khuyên nên tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Cho trẻ tiêm các loại vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc vaccine đường uống để ly giải vi khuẩn, kích thích hệ thống miễn dịch, tạo ra các kháng thể phòng chống vi khuẩn gây bội nhiễm đường hô hấp.

Cách phòng bệnh Adenovirus

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có vaccine phòng Adenovirus, nên việc phòng bệnh cũng tương tự như phòng bệnh lây qua đường hô hấp khác. Cụ thể:

- Tăng cường hệ miễn dịch: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng đặc biệt trẻ nhỏ;

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp;

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;

- Giữ ấm, giữ ẩm đường hô hấp, vệ sinh mũi họng hành ngày;

- Tránh tiếp xúc nguồn bệnh, không nên đến nơi đông người trong thời gian dịch bệnh, đeo khẩu trang đúng cách;

- Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vaccine phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác có trên thị trường để chủ động tăng cường sức đề kháng cho trẻ;

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm