Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: 3 thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam

PVH
22/05/2024 - 11:03
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: 3 thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam

Bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu. Ảnh: Đăng Khoa

Về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, hoạch định chính sách, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Sáng 22/5, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh một số kết quả đạt được thời gian qua về hệ thống pháp luật bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và xu thế hội nhập; Nhận thức về bình đẳng giới trong cán bộ, Nhân dân ngày càng chuyển biến tích cực.

Kết quả thực hiện trong năm 2023 các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã có những tiến triển rõ rệt.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định; đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021 (từ thứ 87/146 quốc gia lên thứ 72/146 quốc gia). Khoảng cách giới giữa nam và nữ trong các lĩnh vực được thu hẹp.

Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.

Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng ở Ban Chấp hành Trung ương là 9,5%, cấp ủy trực thuộc Trung ương là 15,79%, cấp ủy trên cơ sở là 16,5%, cấp cơ sở là 22,37%. Hiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là nữ.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, có 3 chỉ tiêu của mục tiêu 2 tại Chiến lược đề ra đến năm 2025 đều đã đạt. Thu nhập của lao động nữ được cải thiện. Phụ nữ chiếm 55% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm khoảng 51% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình có nhiều thay đổi tích cực, ngày càng bình đẳng, độc lập trong gia đình và xã hội. Nam giới chia sẻ nhiều hơn trong công việc gia đình và chăm sóc con cái. 3/4 chỉ tiêu của mục tiêu 3 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của Chiên lược.

Trong lĩnh vực y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 93,35%, cứ 94 người tham gia bảo hiểm y tế là nam thì có 100 người tham gia bảo hiểm y tế là nữ. Cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ, trẻ em gái, đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn. Tuổi thọ trung bình tăng, năm 2023 của phụ nữ là 76,5 tuổi và của nam giới là 71,1 tuổi. Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số triển khai thực hiện tại 53 tỉnh. 2/4 chỉ tiêu của mục tiêu 4 đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 của Chiến lược.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tỷ lệ nhập học ở tất cả các cấp học giữa nam và nữ như nhau, tỷ lệ nữ theo học cao đẳng và đại học cao hơn so với tỷ lệ này của nam. 4/4 chỉ tiêu của mục tiêu 5 trong Chiến lược đã đạt, vượt và sẽ đạt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội: 3 thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam- Ảnh 1.

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu ra 3 thách thức đối với vấn đề bình đẳng giới, cụ thể:

Thứ nhất, khoảng cách giới khi già hóa dân số, phụ nữ Việt Nam chiếm 57,82% dân số cao tuổi và có tỷ lệ cao hơn so với nam giới là người cao tuổi ở tất cả các nhóm tuổi, nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ phụ nữ càng lớn. Do vậy, phụ nữ cao tuổi dễ rơi vào tình trạng sống một mình, cô đơn và mắc bệnh mạn tính nhiều hơn so với nam giới. Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ bị phân biệt đối xử nhiều hơn nam giới khi tỷ lệ không có lương hưu, độc lập về tài chính khi về già của phụ nữ là cao hơn nam giới.

Thứ 2, khoảng cách giới về việc làm trong thời đại công nghệ số và mức thu nhập. Cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thuận lợi thì người lao động đối diện với nhiều thách thức về việc làm, đặc biệt là lao động nữ. Lao động nữ chiếm phần lớn trong những ngành thâm dụng lao động, làm việc ở các vị trí giản đơn, thiếu bền vững, nhiều nguy cơ mất việc.

Thứ 3, khoảng cách giới do biến đổi khí hậu với thiên tai, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn… khiến tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp diễn ra tại nhiều địa phương và tác động nhiều hơn tới phụ nữ và trẻ em gái.

Thực hiện chiến lược này trong thời gian tới, với lĩnh vực chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đảm bảo cơ cấu nữ trong việc dự kiến, phân bổ, xác định cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ khóa 2026-2031. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội quan tâm, phối hợp thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án chính sách liên quan. Đặc biệt chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi; đánh giá việc thực hiện Chiến lược vào năm 2025, rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu của Chiến lược để bảm đảm phù hợp với thực tế.

Các thành tựu về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngày 09/4/2024, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm