Dịch Covid-19 khiến khoảng cách giới ngày gia tăng trên nhiều lĩnh vực

PVH
09/11/2021 - 16:50
Dịch Covid-19 khiến khoảng cách giới ngày gia tăng trên nhiều lĩnh vực

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH Đắk Lắk, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Thảo luận trước Quốc hội, nhiều đại biểu nhận định, trước tác động của đại dịch Covid-19, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ và "khoảng cách về giới ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực".

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV…

Phát biểu tại hội trường về vấn đề bình đẳng giới, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn ĐBQH Đắk Lắk, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của Việt Nam là 113,7 bé trai trên 100 bé gái, tăng hơn so với năm 2020. Trong khi tỷ số thông thường ở mức 104 đến 106 bé trai trên 100 bé gái. "Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại hậu quả to lớn trong đời sống xã hội, hậu quả này sẽ không đến ngay lập tức mà chúng ta sẽ thấy rõ ràng hệ lụy của nó trong tương lai", đại biểu Thu Nguyệt nói.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng nêu thực trạng "khoảng cách về giới ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực", trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phải tạm ngừng hoạt động cao gấp đôi so với các doanh nghiệp do nam làm chủ.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý I năm 2021 tăng hơn so với quý IV năm 2020. Theo đại biểu, sau mỗi lần dịch được kiểm soát, trung bình số giờ làm thêm của phụ nữ để bù đắp thu nhập bị mất trước đó cũng nhiều hơn so với nam giới, khi vốn dĩ hằng ngày số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ cũng tăng gấp 1,9 lần so với nam giới.

Qua những vấn đề nêu trên, đại biểu Thu Nguyệt khẳng định: "Bình đẳng giới không còn là vấn đề phụ hay bên lề, mà cần phải được Chính phủ xem là vấn đề cốt lõi". 

Đại biểu này đề nghị "Chính phủ cần có sự chỉ đạo điều hành đồng bộ và quyết liệt hơn, chọn lựa thứ bậc các mục tiêu ưu tiên để bố trí nguồn lực phù hợp". Trước mắt cần có chính sách cụ thể hơn về giới, nhất là đối với phụ nữ trong các gói hỗ trợ dành cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới ở nước ta hiện nay.

Dịch Covid-19 khiến khoảng cách giới ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn ĐBQH Kon Tum, phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Quan tâm tới tình trạng di dân, việc làm và nhu cầu lao động, đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn ĐBQH Kon Tum, cho biết: Thời gian qua,  do ảnh hưởng dịch, phần lớn các doanh nghiệp đều tìm cách chuyển toàn phần hoặc một phần công việc sang hình thức trực tuyến làm việc tại nhà, trừ các nhà máy sản xuất hay các đơn vị bán hàng. Tuy nhiên, pháp luật lao động Việt Nam hiện hành chưa đề cập đến những vấn đề pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp triển khai mô hình làm việc trực tuyến.

Đại biểu Thu Phước đặt ra tình huống, giả sử có tai nạn tại nhà như máy tính phát nổ, chập điện khi sử dụng thiết bị để làm việc qua mạng thì pháp luật sẽ điều chỉnh như thế nào ? Việc quy định về thời gian làm việc thực tế của người lao động làm việc trực tuyến được thực hiện ra sao, rất cần Chính phủ và các Bộ liên quan có nghiên cứu, quan tâm trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm