pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những khuyến cáo mới nhất của WHO về biến thể Omicron
Biến chủng mới Omicron
Kể từ khi biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại và được đặt tên là Omicron vào ngày 26/11/2021, sự hiểu biết về biến thể này đã tăng lên đáng kể theo thời gian nhờ vào nghiên cứu hợp tác toàn cầu. Dưới đây là những khuyến cáo của Tổ chức Y tết thế giới (WHO) giúp người dân hiểu hơn về biến chủng Omicron và có thái độ, hành động đúng hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo WHO, Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta chứ không phải chỉ gây bệnh nhẹ. Điều quan trọng là không nên đi trước về việc đánh giá mức độ nghiêm trọng và tác động tiềm ẩn của Omicron. Một số quốc gia đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của Omicron thấp hơn so với Delta. Tuy nhiên, những tác động này chủ yếu được quan sát thấy ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Hiện còn quá sớm để nói Omicron sẽ tác động như thế nào đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn và đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất.
WHO cho rằng, Omicron vẫn được xếp vào nhóm có nguy cơ cao đối với sức khỏe con người. Thực tế, đã có dữ liệu chỉ ra rằng Omicron có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn cả Delta. Mặc dù Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta nhưng do tốc độ tăng trưởng nhanh sẽ dẫn đến tăng số ca nhập viện, gây áp lực lên hệ thống y tế trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 và cả các loại bệnh khác.
Hiện nay, vaccine là giải pháp bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron. Bởi lẽ, tiêm vaccine sẽ cung cấp sự bảo vệ quan trọng chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra, giống như các biến thể khác vẫn đang được lưu hành. Cho đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp là do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành bao gồm cả Omicron, mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của Covid-19. Do đó, người chưa tiêm vaccine là người có nhiều nguy cơ mắc bệnh Omicron nhất.
WHO cũng chho biết, Omicron có thể tái nhiễm ở những người trước đó đã mắc Covid-19. Do vậy, nếu đã từng mắc Covid-19 trước đó thì người dân vẫn nên tiêm vaccine, vì thực tế cho thấy vẫn có khả năng tái nhiễm Omicron, vẫn có nguy cơ bị bệnh nặng, nguy cơ truyền virus cho người khác hoặc nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài. Tiêm đủ liều vaccine, cho dù đã bị nhiễm Covid-19 hay chưa là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với Omicron để không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Hiệu quả của vaccine Covid-19, cũng như nhiều loại vaccine khác như cúm, sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, người dân nên tiêm mũi nhắc lại. Mũi tiêm nhắc lại làm tăng khả năng bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh nặng do Omicron và các biến thể khác của Covid-19. Khuyến cáo này đặc biệt quan trọng đối với những người thuộc nhóm nguy cơ, như những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền, những người có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do nhiễm trùng. Nhân viên y tế cũng nên được tiêm nhắc lại do thuộc nhóm nguy cơ cao và nguy cơ lây lan cho những người dễ bị tổn thương khác khi họ chăm sóc.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm Omicron, người dân cần thực hiện mang khẩu trang đầy đủ. Các bằng chứng có được cho đến nay cho thấy tất cả các biện pháp phòng ngừa chống lại biến thể Delta tiếp tục có hiệu quả chống lại biến thể Omicron - trong đó có giải pháp mang khẩu trang. Omicron đang phát triển nhanh chóng, do đó, ngoài việc tiêm vaccine, tất cả các biện pháp phòng ngừa khác như đeo khẩu trang; rửa tay; giữ khoảng cách; tránh không gian kín, hoặc tập trung đông đúc người; đảm bảo thông gió tốt,… tất cả đều cần thiết để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế.