pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những kỷ lục buồn trên đỉnh Pà Cò: 4 bố con đều lấy vợ ở tuổi 17
Đại gia đình ông Phàng A Xái
Bé trai cũng tảo hôn
Xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) có đến 98% là đồng bào dân tộc Mông. Điều tiến bộ rõ rệt là người Mông ở Pà Cò không còn sinh nhiều con như trước. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn khá phổ biến, không chỉ những bé gái mà rất nhiều bé trai cũng tảo hôn. "Tiêu biểu" nhất là gia đình ông Phàng A Xái.
Theo quy định của pháp luật, con trai cả của ông Phàng A Xái là Phàng A Di năm nay mới đủ tuổi kết hôn. Di sinh năm 2002, vừa tròn 20 tuổi nhưng chàng trai này đã lên chức bố từ hơn 3 năm trước.
Di lấy vợ khi mới 17 tuổi và vợ của "thiếu niên" này cũng là người cùng tuổi. Hiện tại, vợ chồng Di đã có con gái gần 3 tuổi và vừa được bố mẹ cất cho ngôi nhà nhỏ ngay trong vườn. Sắp tới, đôi vợ chồng trẻ này sẽ bắt đầu một cuộc sống mới.
Cũng không chịu kém cạnh anh trai, Phàng A Đại - con trai thứ 2 của ông Xái sinh năm 2003. Đại mới 19 tuổi nhưng đã lấy vợ từ 2 năm trước. Vợ Đại hiện đang mang bầu, chỉ vài tháng nữa, ông Xái sẽ có thêm đứa cháu nội thứ 2. Điều khá đặc biệt là ông Xái năm nay mới 38 tuổi nhưng đã lên chức ông nội từ năm 35 tuổi. Đó cũng là kỷ lục cả xã Pà Cò không ai bì kịp.
Tiếp nối "truyền thống" của gia đình, con trai thứ 3 của ông Xái là Phàng A Vinh cũng đã lập gia đình. Vinh năm nay cũng mới chớm tuổi 17 nhưng đã "yên bề gia thất". Vợ Vinh là Phàng Y Pày, người ở xã Hang Kia và cũng bằng tuổi Vinh (sinh năm 2005).
Nhà ông Xái còn có người con gái út tên Phàng Y Khia. Khia năm nay 15 tuổi và đã bỏ học sau khi hết lớp 9. Nếu theo đúng "lộ trình" mà bố và anh đã thiết lập, thì chỉ 2 năm nữa Khia cũng sẽ lấy chồng.
Ông Xái hài hước nói rằng, dường như nhà ông có duyên với con số 17. Bản thân ông Xái cũng lấy vợ năm 17 tuổi và vợ ông cũng là người bằng tuổi. Khá hi hữu khi cả 3 người con trai của ông Xái cũng lặp lại "kịch bản" y như bố. "Thật ra thời điểm tôi lấy vợ, nếu tính chuẩn theo ngày thì mới hơn 16 tuổi, nhưng thôi cứ làm tròn", ông Xái chia sẻ.
Cũng theo ông Xái, thời của ông người Mông vẫn có truyền thống lấy vợ gả chồng từ rất sớm. Nhà ông Xái lúc đó có 5 anh em, cuộc sống rất khó khăn và ông Xái được bố mẹ "bật đèn xanh" để sớm có người nối dõi tông đường. Đặc biệt, lấy vợ sớm, nhà sẽ có thêm người làm.
Chẳng phụ sự trông đợi của bố mẹ, sau nhiều đêm vượt qua mấy ngọn núi cao, đến nhà Sùng Y Gánh "chọc vách", ông Xái đã nhận được cái gật đầu của cô gái. "Ngày đó, con gái ở trong nhà, con trai đi tán gái chỉ được ngồi ở ngoài, cả 2 nói chuyện qua vách nhà".
Khi được cô gái đồng ý lấy, chàng trai sẽ chọn giờ đẹp tiến hành bắt vợ. Hồi đó, tôi đi bắt vợ từ lúc nửa đêm, khi "bắt" Y Gánh về nhà trai đã 3h sáng. Sau khi bắt xong, ngày hôm sau bố mẹ mới đến thưa chuyện", ông Y Xái kể lại.
Do nhà Y Xái quá nghèo, đất đai sản xuất lại không có. Sau khi lấy vợ, được bố mẹ vợ thương tình cho một mảnh đất ở bản Pà Cò để cất nhà, chính là nơi ở hiện tại bây giờ của gia đình ông Y Xái. Ông Xái nói rằng, người Mông rất "kị" việc ở rể, gần như không bao giờ có chuyện đó, nhưng vì nhà ông quá nghèo nên đành đi ngược lại với truyền thống của dân tộc mình.
Tương lai mù mịt
Theo Chủ tịch UBND xã Pà Cò, ông Ông Sùng A Sía: Xã Pà Cò có hơn 500 hộ dân, vẫn còn 24% số hộ nghèo, trong đó tập trung chủ yếu ở bản Pà Cò. Dù nằm ngay bên cạnh UBND xã nhưng bản Pà Cò lại là bản nghèo nhất xã. Cả bản có 112 hộ, có đến 65 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và nhà ông Y Xái nằm trong danh sách hộ cận nghèo.
Dù cả 3 người con trai đã lập gia đình nhưng đại gia đình ông Xái vẫn phải sống trong căn nhà gỗ thấp lè tè, cũ kỹ. Nhà không có phòng riêng, vợ chồng ông Xái dùng những tấm vải mỏng để quây thành từng phòng nhỏ sát nhau phía bên tay phải cho từng cặp vợ chồng. Riêng vợ chồng ông Xái, quây một phòng bên tay trái.
Cũng vì điều kiện ăn ở quá chật chội nên mới đây, ông Xái đánh liều vay bà con trong bản được mấy chục triệu đồng để cất cho con trai cả Phàng A Di một căn nhà nhỏ ngay bên cạnh. Nhà của Di ngoài mấy bao ngô vứt lăn lóc ở góc nhà và một chiếc giường quây kín vải, bên trong không có một thứ gì.
Cũng như các hộ dân trong bản, nhà ông A Xái thiếu đất canh tác trầm trọng. Nhà đông người những chỉ có ít nương tít trên tận đỉnh núi. Mỗi năm chỉ canh tác được một vụ ngô và một vụ lúa nên không đủ lương thực để ăn. Bắt đầu từ thời điểm này, khi mùa đông về, cả nhà ông Xái gần như ăn chơi cho đến ra Tết.
Nhà ông Xái, ngoại trừ bé Phàng Y Thủy - con gái của vợ chồng A Di mới 3 tuổi, còn lại cả 8 thành viên gồm cả vợ chồng ông Xái đều đang là những lao động trẻ, khỏe. Thế nhưng khá đặc biệt, cả nhà chỉ có ông Xái đi làm thêm nghề hàn xì cho bà con trong bản, còn lại ngoài thời gian lên nương, các con của ông Xái chỉ ngồi chơi.
Pà Cò là 1 trong 6 xã nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò của huyện Mai Châu. Ở đây có độ cao trung bình hơn 1000m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ. Mùa hè, nơi đây còn mát hơn cả Mộc Châu. Thế nhưng, mùa đông khắc nghiệt lại kéo dài, rét đến mức không cây gì lên nổi, gia súc cũng chết hàng loạt.
"Người Mông ở đây gần như không ra ngoài đi làm thuê, làm mướn. Cả bản cũng không ai đi làm công nhân. Họ thà ở bản chơi ngày này qua tháng khác và chấp nhận đói nghèo chứ không ra ngoài đi làm kinh tế", anh A Páo - chủ homestay nổi tiếng ở Pà Cò, cũng là người thường xuyên đi làm công tác thiện nguyện chia sẻ.
Vị Chủ tịch UBND xã Pà Cò cũng thừa nhận, xã của ông đang đối diện với rất nhiều thách thức và chưa thể "cất cánh" trong một sớm, một chiều. "Khó khăn lớn nhất ở địa phương là quỹ đất sản xuất quá ít, mùa đông lại khắc nghiệt nên chỉ trồng trọt được một vụ, trong khi chăn nuôi cũng không được.
Người dân lại chưa có thói quen đi ra ngoài làm thêm để cải thiện thu nhập. Việc quanh năm chỉ trông chờ vào số ruộng nương ít ỏi nên cuộc sống người dân còn đối diện với rất nhiều khó khăn".
Trong khi đó, Chủ tịch Hội LHPN xã Pà Cò, chị Hàng Y Tếnh lại cho rằng, khó khăn lớn nhất của xã Pà Cò là trình độ nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế. "Chúng tôi khó khăn trong việc phát triển hội viên. Cả xã trên 500 hộ dân nhưng chỉ có 485 hội viên, có những xóm như xóm sân bóng 90% phụ nữ không tham gia Hội phụ nữ và gia đình họ cũng không tham gia bất kỳ đoàn thể nào.
Thấy chị em khó khăn, muốn tuyên truyền, giúp đỡ nhưng họ thường từ chối. Tình trạng tảo hôn ở Pà Cò vẫn khá phổ biến nhưng không đến mức lấy quá sớm như ở xã Hang Kia bên cạnh. Ở đây, nam nữ khi kết hôn thiếu một hai tuổi vẫn còn nhiều", Chủ tịch Hội LHPN xã Pà Cò chia sẻ.
Bài sau: Kỷ lục buồn trên đỉnh Pà Cò: “Đẻ được con trai mới thôi”