TS Từ Ngữ: Bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường chỉ trên cơ sở phỏng đoán

Hiếu Trần
28/12/2019 - 07:45
TS Từ Ngữ: Bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường chỉ trên cơ sở phỏng đoán
"Việc bổ sung 21 vi chất hay 3 vi chất như đề xuất ban đầu là cái phỏng đoán chứ không có cơ sở khoa học nào. Nếu dùng hình ảnh so sánh, tôi cho rằng họ biến sữa thành ô tô để chuyên chở vi chất nào vào cơ thể", TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nói.

Liên quan Thông tư 31/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định về hàm lượng 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng trung bình của từng loại trong 100ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào khiến dư luận băn khoăn. 

phunuvietnam.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, để tìm hiểu rõ hơn.

Thiếu sữa chắc chắn không thể bị bệnh

PV: Thưa TS. Từ Ngữ, ông đánh giá thế nào về vai trò của sữa?

TS. Từ Ngữ: Sữa và trứng là hai thực phẩm quý bởi có nhiều axit amin cần thiết. Hơn nữa, các chất dinh dưỡng trong trứng và sữa cũng rất dễ hấp thu, chuyển hoá trong cơ thể.

Sữa hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp đánh tráo khái niệm làm người tiêu dùng hiểu là sữa thanh trùng và sữa tươi là một.

TS. Từ Ngữ

TS. Từ NgữSữa có rất nhiều loại. Sữa tươi là các loại sữa động vật (bò sữa, dê, cừu…) ở dạng nguyên liệu thô, dạng nước, chưa qua chế biến hoặc chỉ mới qua sơ chế và chưa được tiệt trùng hay khử trùng triệt để bởi các thiết bị xử lý nhiệt vi lọc. Sữa tươi được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện lạnh trước và trong khi sử dụng. Trong khi đó, sữa thanh trùng phải qua nhiệt để diệt vi khuẩn.

- Thưa ông, thiếu sữa có gây bệnh gì không?

+  Cơ thể cần rất nhiều chất dinh dưỡng, nếu thiếu protein thì gây nên bệnh Kwashiorkor, thiếu vitamin B1 thì gây bệnh Beriberi (bệnh tê phù), thiếu vitamin A thì gây bệnh khô mắt thì bổ sung vitamin A; thiếu sắt gây bệnh thiếu máu nên phải bổ sung sắt…

TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Với sữa, cha ông chúng ta không có sữa để sử dụng nhưng vẫn phát triển trí lực và thể lực. Chỉ những năm gần đây, kinh tế khá hơn người dân mới dùng sữa. Vậy thiếu sữa gây bệnh gì? Chắc chắn là không, bởi sữa chỉ là một loại thực phẩm như thịt, cá nhưng dễ hấp thu hơn. 

Vì thế, không thể cho thiếu sữa gây nên bệnh gì để mà bổ sung như một cách hiểu để chữa bệnh.

- Trong Chương trình sữa học đường có chỉ tiêu tăng trưởng chiều cao của trẻ mẫu giáo và tiểu học từ 1,5-2cm (năm 2020) so với năm 2010, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

+ Mục tiêu của Chương trình sữa học đường là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi tăng từ 1,5cm - 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010. Như vậy, Chương trình sữa học đường có nhắm đến mục tiêu tăng chiều cao của trẻ nói riêng và người Việt nói chung. Tuy nhiên, muốn tăng trưởng chiều cao thì không chỉ là dinh dưỡng. Để phát triển chiều cao thì yếu tố dinh dưỡng chỉ đóng góp 32%, di truyền 23%, giấc ngủ và môi trường 25%, vận động 20%.

"Trong danh mục 21 vi chất dinh dưỡng, tôi không thấy có Vitamin K2. Vậy quá trình tạo xương gần như không thể".

TS. Từ Ngữ

Canxi là nguyên liệu quan trọng để tạo xương. Nhưng muốn tạo được xương thì canxi phải được vận chuyển trong cơ thể, gắn với đó là vitamin D và Vitamin K2. Đặc biệt là Vitamin K2, đây là một yếu tố rất cần cho quá trình tổng hợp một loại protein (osteocalcin) có chức năng gắn canxi vào xương, giúp tăng khả năng hấp thu canxi từ ruột vào máu. Nếu không có K2 thì protein này sẽ không hoạt động. 

Cần điều chỉnh bất hợp lý

Hơn nữa, sữa học đường dùng cho trẻ mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, đây là giai đoạn không cần bổ sung nhiều canxi, bởi lúc này cơ thể vẫn sản xuất đủ canxi đáp ứng nhu cầu phát triển. Giai đoạn trẻ dậy thì hoocmon tăng trưởng xuất hiện, trẻ lớn nhanh khiến nhu cầu canxi tăng. Lúc này, cơ thể sẽ không sản xuất kịp canxi cho cơ thể, vì vậy giai đoạn này rất cần bổ sung canxi. Tôi cho rằng, nên bổ sung sữa cho trẻ trong tuổi dậy thì chứ không chỉ là trẻ trong tuổi mầm non, tiểu học.

Hơn nữa, Chương trình sữa học đường chủ yếu thực hiện ở thành phố hoặc khu vực có điều kiện kinh tế khá giả. Ở khu vực này, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng. Trong khi đó, trẻ tại khu vực miền núi, khu vực khó khăn thì suy dinh dưỡng là đối tượng cần bổ sung và uống sữa nhưng lại chương trình không thực hiện. Đây là điều bất hợp lý và tôi cho rằng, những người làm chính sách cần điều chỉnh. 

Để giúp trẻ phát triển, nâng cao thể lực cần nhân rộng, phát triển mô hình bữa ăn học đường

Để giúp trẻ phát triển, nâng cao thể lực cần nhân rộng, phát triển mô hình bữa ăn học đường

- Theo ông, Thông tư 31 bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng có đủ căn cứ khoa học không?  

+ Mỗi loại thực phẩm đều có một số vi chất dinh dưỡng khác nhau. Trong bữa ăn hiện nay của trẻ thiếu những vi chất nào và thiếu bao nhiêu chưa có số liệu cụ thể (vì trong bảng thành phần hóa học thức ăn Việt Nam còn nhiều vi chất còn để trống). 

Hơn nữa, trong sữa đã có nhiều vi chất, như canxi, magie…vậy họ bổ sung làm gì? Vấn đề bổ sung 21 vi chất hay 3 vi chất (như đề xuất trước đây) là cái phỏng đoán chứ không có cơ sở khoa học nào. Nếu dùng hình ảnh so sánh, tôi cho rằng họ biến sữa thành ô tô để chuyên chở vi chất nào vào cơ thể.

- TS có khuyến nghị chính sách gì không?

+ Tôi cho rằng, nếu thiếu vi chất thì cần phải can thiệp. Hiện nay, có can thiệp ngắn hạn; can thiệp trung hạn và can thiệp dài hạn. Tùy theo nhu cầu mà có hướng can thiệp cụ thể. Ví như, thiếu vitamin A thì cho trẻ uống vitamin A để bổ sung và hết 6 tháng lại phải bổ sung, đấy là can thiệp ngắn hạn. Trường hợp thiếu i-ốt thì phải cho i-ốt vào muối, đấy là can thiệp trung hạn. Còn trường hợp can thiệp dài hạn thì phải cải thiện bữa ăn hàng ngày và bữa ăn học đường.

Với thế hệ chúng tôi thì không được uống sữa nhưng tôi vẫn cao 1m70 bởi chúng tôi ăn uống khoa học và rèn luyện vận động tốt. Do đó, trẻ  cao hay thấp phụ thuộc số 1 là bữa ăn. Bữa ăn sẽ cung cấp đầỳ đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, đích tôi hướng đến là bữa ăn học đường và Bộ Giáo dục Đào tạo nên xây dựng bữa ăn học đường rộng hơn, đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Hiện nay, bữa ăn bán trú chính là bữa ăn học đường, nếu có thể thì nên nhân rộng.

Cảm ơn Tiến sĩ về buổi trò chuyện!

Hàm lượng 21 vi chất dinh dưỡng phải có trong sữa học đường theo 31/2019/TT-BYT ngày 5/12/2019 của Bộ Y tế

STT

Tên vi chất

Hàm lượng trung bình trong 100 ml sữa

1

Vitamin D3

1 µg - 1,4 µg (40 IU - 56 IU)

2

Canxi

114 mg - 150 mg

3

Sắt

1,4 mg - 1,9 mg

4

Vitamin A

60 µg - 80 µg (200 IU - 270 IU)

5

Vitamin E

0,35 mg - 0,5 mg

6

Vitamin C

6,4 mg - 8,4 mg

7

Vitamin B1

95,0 µg - 125,0 µg

8

Vitamin B2 (riboflavina)

79,1 µg

9

Vitamin B3 (Niacin- PP)

1,0 mg - 1,4 mg

10

Vitamin B 5 (Acid Pantothenic)

300 µg - 400 µg

11

Vitamin B6

79,1 µg - 104,1 µg

12

Vitamin B 7 (Biotina)

1,3 µg

13

Acid folic (vitamin B9)

27,5 µg - 37,5 µg

14

Vitamin B12

0,19 µg - 0,3 µg

15

Vitamin K1

2,5 µg - 3,3 µg

16

Kẽm

1,1 mg - 1,6 mg

17

Đồng

61 µg - 90,3 µg

18

I ốta

14,3 µg

19

Selen

3,1 µg - 4,1 µg

20

Phospho

76,0 mg - 100 mg

21

Magiê

10,0 mg - 14,8 mg

(a) Không đưa ngưỡng tối đa vì hàm lượng Vitamin B2, Biotin đã có sẵn trong sữa ở mức cao và I ốt có sẵn trong sữa dao động theo mùa vụ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm