Mỗi năm 2.000 trẻ bị xâm hại mới chỉ là ‘phần nổi’

06/08/2018 - 17:55
Con số 2.000 trẻ bị xâm hại mỗi năm được đánh giá chỉ là phần nổi của tệ nạn nhức nhối này hiện nay bởi có một thực tế là những vụ xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý.

Sáng ngày 6/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về trẻ em đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Thời gian qua, không ít trẻ em vẫn chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ cần thiết, bị xâm hại cả về thể chất lẫn tinh thần. Trên thực tế, số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 2.000 trường hợp/năm như báo cáo của Bộ LĐTB&XH. Điều đau lòng là nhiều trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, ở trường lớp bị xâm hại, ngược đãi khiến trẻ bị ảnh hưởng về sự phát triển cả thể chất lẫn tâm hồn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lấy ví dụ: Điều 90 của Luật Trẻ em quy định, phải xác định người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, nhưng theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH thì đến nay mới chỉ có 590 cán bộ thuộc 6 tỉnh/thành phố được phân công làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Có nghĩa là mới chỉ có khoảng 5% số xã, 10% số tỉnh triển khai một công việc có thể nói là không khó. Vì thế mà trong nhiều trường hợp khi nhân viên Tổng đại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được báo có vụ việc xâm hại trẻ em không biết liên hệ với ai ở cơ sở để xử lý…

cp1.jpg
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến về công tác bảo vệ trẻ em.
“Qua đó, có thể thấy công tác bảo vệ trẻ em và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật về trẻ em cần phải được chú trọng hơn nữa với đầy đủ trách nhiệm. Với tinh thần đó, đặc biệt là với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Hội nghị sẽ được lắng nghe những kiến nghị, ý kiến đóng góp giúp công tác bảo vệ trẻ em được hiệu quả hơn trong thời gian tới. Để cho trẻ em niềm hạnh phúc, là tương lai của mỗi gia đình, tương lai của đất nước được chăm sóc, được giáo dục và bảo vệ tốt nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
cp2.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở.

Báo cáo của Đại tá Trần Ngọc Hà, Cục trưởng cụ Cảnh sát hình sự (C45) – Bộ Công an, cho biết: Trung bình mỗi năm toàn quốc xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em với gần 2.000 đối tượng, xâm hại gần 2.000 nạn nhân. Chỉ tính riêng năm 2017, cả nước phát hiện 1.592 vụ (giảm 49 vụ so với năm 2016), gồm 1.757 đối tượng gây án, xâm hại 1.642 em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.370 vụ (chiếm 86% tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.416 đối tượng, xâm hại 1.397 em. Và chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, cả nước đã phát hiện 682 vụ, 795 đối tượng, xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục 572 vụ (chiếm 84% tổng số vụ xâm hại trẻ em).

Các hành vi bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em chủ yếu ở các tội danh như: Giết trẻ em, cố ý gây thương tích cho trẻ em, ngược đãi, sao nhãng với trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em… Hành vi xâm hại trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, trong gia đình, ngoài xã hội và kể cả trong nhà trường. Thời gian qua, tuy có giảm về số vụ song xảy ra một số vụ có tính chất nghiêm trọng đã tác động, ảnh hưởng xấu, gây hoang mang dư luận, bức xúc trong dư luận.

cp6.JPG
Đại tá Trần Ngọc Hà, Cục trưởng C45 phát biểu tham luận tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cũng chia sẻ: Những số liệu về xâm hại trẻ em nói trên mới chỉ là "phần nổi" của tảng băng chìm. Những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ đến khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện và xử lý. Trong những môi trường được xem là an toàn như trường học cũng diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng: Nhiều quy định về pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị và hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan khi phát hiện trường hợp bị nghi ngờ xâm hại tình dục, bạo lực vẫn còn chưa rõ ràng, cụ thể. Hệ thống bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở vẫn chưa sát sao, hiệu quả, chậm xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm… dẫn đến nhiều vụ việc diễn biến phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm