Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng “hậu Covid-19”

Anh Quân
18/03/2022 - 16:48
Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng “hậu Covid-19”

Tọa đàm "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" tổ chức vào ngày 18/3 tại Hà Nội

Tại chương trình tọa đàm “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều công cụ, giải pháp đã và đang được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay.

Tại chương trình "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" do tạp chí Công Thương tổ chức vào ngày 18/3, để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều công cụ, giải pháp đã và đang được sử dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay.

Hướng đến bảo vệ quyền lợi của những người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Bộ Công Thương triển khai thông qua nhiều bộ công cụ, chương trình hành động thiết thực.

Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng “hậu Covid-19” - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng

Trong đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một bộ công cụ đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội và sự phát triển bộ luật này bắt buộc phải sửa đổi, dự kiến sẽ bổ sung những quy định về kinh sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao… là những đối tượng rất cần phải có những quy định để bảo vệ quyền lợi của họ. Bên cạnh đó là những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng.

Công cụ thứ hai có thể thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là  Tổng đài tư vấn miễn phí 18006838. Chỉ riêng năm 2021, tổng đài đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi của người tiêu dùng đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.

Phó Cục trưởng Nguyễn Quỳnh Anh cũng chia sẻ thêm về quyền tiếp nhận thông tin và quyền tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng được thể hiện qua những hình thức đa dạng như phát bản in, văn bản cụ thể và rút gọn được công bố trên mạng internet như website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các website của các sở ở các địa phương hoặc các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các địa phương.

Tiêu biểu nhất là Bộ tài liệu hướng dẫn tiêu dùng an toàn với thông điệp: "An toàn trong lựa chọn, an toàn trong thanh toán và an toàn trong sử dụng" vừa được ban hành để từ đó người tiêu dùng biết và tự bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.

Người tiêu dùng phải biết sử dụng sức mạnh của mình

Đại diện lực lượng quản lý thị trường, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), khẳng định: Vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn làm thiệt hại rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.

Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng “hậu Covid-19” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng cục Quản lý thị trường giới thiệu những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng

"Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát quản lý địa bàn và đã xử lý rất nghiêm đối với hành vi vi phạm.

Ngoài những hoạt động về chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi cũng có những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và của tất cả các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để chúng tôi kịp thời kiểm tra xử lý. Đó là đường dây nóng 190088655 của riêng lực lượng quản lý thị trường. Tính riêng năm 2021, đường dây nóng đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc gọi đến để phản ánh.

Ngoài các hoạt động trên, Tổng cục Quản lý thị trường đã sử dụng những kênh truyền thông trên mạng xã hội như Youtube, Tiktok… để hướng dẫn giới thiệu cách nhận biết hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình. Những công cụ như thế đã được triển khai rất quyết liệt và cũng đã ghi nhận những kết quả trong thời gian vừa qua", ông Nguyễn Quang Huy cho biết.

Nhiều công cụ, giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng “hậu Covid-19” - Ảnh 3.

"Trong bối cảnh mới đặc biệt như hiện tại, với những xu thế phát triển mới và đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và cũng có nhiều thành quả: từ pháp lý, cách thức triển khai sử dụng các công cụ khác nhau để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đằng sau là phát triển doanh nghiệp cộng với nỗ lực của doanh nghiệp rồi tự thân người tiêu dùng với cách sống, cách tiêu dùng cũng đã khác rất nhiều.

Với người tiêu dùng, chúng ta phải hiểu sức mạnh lớn nhất trên thị trường là doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại, có phát triển hay không có thể nói phụ thuộc rất lớn vào chính chúng ta. Do đó chúng ta phải biết sử dụng sức mạnh: sức mạnh cổ vũ, sức mạnh tẩy chay, sức mạnh đưa ra khiếu kiện... Chúng ta phải có trách nhiệm vì chính từng cá nhân, gia đình chúng ta, xã hội và sự phát triển chung của xã hội, của đất nước", TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm