pnvnonline@phunuvietnam.vn
3.000 nhân viên y tế nhiễm Covid-19 và 10 trường hợp tử vong khi chống dịch
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021 với sự xuất hiện của biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, dịch Covid-19 đã diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo.
Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân, làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế của mỗi gia đình. Dịch bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong. Ngành Y tế đã huy động tổng lực với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động hơn 25.000 cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam. Trong đó, có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp mắc đã mất do mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ.
Trong quá trình chống dịch, các giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được Bộ triển khai như thành lập các Sở chỉ huy tiền phương, đưa lãnh đạo các vụ, cục xuống tận quận huyện của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập 11 trung tâm hồi sức tại các phía Nam trong thời gian ngắn kỷ lục, thành lập hàng ngàn trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… Đặc biệt, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất lịch sử đã được triển khai, hiện đã tiêm được gần 180 triệu liều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, năm 2022, dịch Covid-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam cũng đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omirron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao. Bộ Y tế lo ngại về sự bùng phát đợt dịch trong thời gian tới nên đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch và yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong nhằm nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc Covid-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.
Ngành y tế đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động của ngành và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới; trong đó tập trung xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi... và tiếp tục rà soát, cập nhật, ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư, mua sắm, đấu thầu, quản lý giá vật tư, trang thiết bị y tế và các quy định về giá dịch vụ y tế.
Thực hiện tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp; xây dựng các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, không để xảy ra tình trạng nợ lương công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế; các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.