pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người phụ nữ đi đầu trong xây dựng thương hiệu nông sản ở vùng cao
Người dân thu hoạch chè
Để chinh phục các thị trường khó tính, bà Nguyễn Thị Bình (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La) đã có hướng đi riêng trong việc xây dựng thương hiệu và quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Nhờ đó, sản phẩm chè của bà không chỉ có mặt trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Cơ duyên nào mà bà quyết định sản xuất, kinh doanh chè, thưa bà ?
Bà Nguyễn Thị Bình: Tôi sinh ra và lớn lên ở Phổng Lái. Ngay khi còn nhỏ, cuộc sống của tôi đã gắn liền với cây chè. Vì thế, tôi hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả của người trồng chè. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ này, tôi thấy thị trường chè có nhiều biến động theo chiều hướng khó khăn hơn với người trồng chè ở quê hương. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu của xã Phổng Lái phù hợp với phát triển cây chè. Sau khi khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Hội LHPN địa phương, năm 2013 tôi đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Bình Thuận để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ chè.
Bà và Hợp tác xã đã phát triển, xây dựng các sản phẩm chè như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình: Ban đầu HTX chỉ sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm chè thô sang Đài Loan. Tuy nhiên, việc này phải qua một đơn vị trung gian. Được một thời gian, đơn vị trung gian cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm chè truyền thống. Vì thế, HTX của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, sản phẩm làm ra không bán được hoặc bán với giá thấp khiến hội viên chán nản.
Trước tình hình đó, chúng tôi đã quyết định ứng dụng công nghệ cao và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong quá trình sản xuất theo VIETGAP nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất chè theo đúng quy định. Đến năm 2019, HTX được cấp Giấy chứng nhận VIETGAP năm 2019, và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chất lượng sản phẩm đã được giải quyết, vậy bà xây dựng thương hiệu chè sạch như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bình: Tôi thấy rằng, chè làm ra không có thương hiệu, không có chỉ dẫn địa lý thì giá bán không cao. Hơn nữa, đối tác cũng e dè trước khi đặt hàng, thậm chí có đơn vị còn lợi dụng điều này để ép giá. Vì thế, chúng tôi chú trọng xây dựng thương hiệu chè của Phổng Lái. Năm 2018 chúng tôi đã được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu". Đến cuối năm 2019 HTX đã xây dựng thành công thương hiệu "Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu" và được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP và đạt hạng sản phẩm 4 sao. Tháng 9/2020 sản phẩm Chè Trọng Nguyên - Phổng lái Thuận được Tổng Hội nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chứng nhận là sản phẩm đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019".
Chất lượng và thương hiệu sản phẩm chè tốt như vậy nhưng còn doanh thu như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Chỉ riêng thị trường trong nước, mỗi năm tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi, với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của xã viên HTX đã thay đổi, thu nhập ngày càng tăng.
Sản phẩm của HTX có đủ đáp ứng thị trường trong và ngoài nước không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bình: Không. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài diện tích chè trồng ở Phổng Lái, chúng tôi đã liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã lân cận như xã Chiềng Pha, Xã Mường E (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho các hộ nông dân. Thu nhập bình quân mỗi lao động trồng chè đạt gần 5 triệu đồng/người/ tháng. Nhờ đó, đã giảm hẳn việc khai thác rừng trái phép; 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức về sử dụng phân bón,...
Ngoài cây chè, bà còn trồng và phát triển sản phẩm nông nghiệp nào không?
Bà Nguyễn Thị Bình: Có chứ. Thuận Châu có nhiều điều kiện để phát triển chanh leo. Vì thế, tôi đã thành lập HTX Chanh leo Thuận Châu. Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị bền vững.
Để thực hiện mục tiêu này, HTX đã liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc để hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Theo hợp đồng ký kết, người dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Đến mùa thu hoạch, chanh loại 1 được doanh nghiệp thu mua với giá 35.000 đồng/kg để phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thu mua chanh để chế biến. Khi thị trường mất giá, Nafoods vẫn hỗ trợ người dân thu mua với giá bảo hiểm là 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người dân cũng phải tuân thủ quy trình theo hướng dẫn của doanh nghiệp, không được tự ý bán chanh cho thương lái nếu giá thị trường tăng cao, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng.
Bên cạnh đó, yêu cầu của doanh nghiệp khi thu hoạch cũng rất cao: Người dân phải đeo găng tay khi thu hái; quả phải được vận chuyển nhẹ nhàng để không bị trầy xước, móp méo; tỷ lệ quả phải đồng đều (khoảng 10 - 11 quả/kg) theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đến nay, toàn huyện đã có gần 200 hộ tham gia trồng chanh leo tập trung tại 8 xã gồm: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Chiềng Ly và Bon Phặng với diện tích gần 100ha.
Trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm bà đã gặp những khó khăn gì ?
Bà Nguyễn Thị Bình: Những năm đầu tiên HTX mới thành lập, do sản phầm chè bán giá thấp lại khó bán, nhiều bà con đã muốn phá bỏ vùng chè để trồng cây cà phê. Tôi phải xuống từng nhà động viên, tuyên truyền để bà con nông dân tiếp tục vững tin vào cây chè. Dần dần, bà con đã tin tưởng, không phá bỏ mà còn tăng diện tích trồng cây chè. Vì thế, diện tích trồng chè là hơn 300ha (năm 2013) đến nay đã lên tới 1.300ha.
Đặc biệt, năm 2016 khi tất cả các đơn vị xuất khẩu chè đều gặp phải rào cản dư lượng chất cấm và tiêu chí đánh giá chất lượng đến từ thị trường Đài Loan. Chúng tôi cũng phải rất vất vả. Sau đó, với sự vào cuộc, giúp đỡ của các đơn vị cũng như chính quyền địa phương, nhận thức trong sản xuất của bà con trồng chè đã được nâng cao, qua đó có thể đảm bảo những yêu cầu từ thị trường khó tính như Đài Loan.
Ngoài ra, khi HTX mới thành lập công việc rất nhiều, tôi ít khi ở nhà. Trong khi đó, các con vẫn đang còn nhỏ, còn đang đi học, chồng thì công tác. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, tôi từng bước giải quyết các vấn đề, dần dần mọi việc đều đi vào quỹ đạo.
Xin cảm ơn bà./.